Ga Tuy Hòa vào những ngày cuối năm thật náo nhiệt, người ra vào tập nập, “đội ngũ” xe “ôm” ở ga Tuy Hòa có cơ hội kiếm tiền. Song cách kiếm tiền của họ gây phiền toái cho nhiều người.
Xe "ôm" vây kín lối ra vào ở ga Tuy Hòa - Ảnh: Đức Thông |
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy ở Hòa Vinh (Đông Hòa) phản ánh: “Tôi là người thường đi tàu. Cách đây vài tháng, tôi về ga Tuy Hòa đâu thấy cảnh xe “ôm” bu quanh như hiện nay. Mới vừa ra khỏi cửa ga, nhiều tài xế xe “ôm” lôi kéo, chào mời. Người thì xách hành lý, người thì nắm tay kéo… vất vả lắm tôi mới thoát khỏi”.
Gần đó, một nhóm xe “ôm” khoảng 5 người đang “bủa vây” hai người khách. Kẻ thì lôi kéo khách lên xe, người thì giành hành lý… Quá bất bình trước hành động khiếm nhã của cánh xe “ôm”, hai người khách kiên quyết không đi và đã có lời qua tiếng lại. Tiếp xúc với chúng tôi, hai người khách đó cho biết họ ở TP Hồ Chí Minh về thăm người quen. “Khi vừa xuống tàu, chúng tôi dự định bắt xe “ôm” đi cho nhanh. Thật không ngờ, xe “ôm” ở đây quá mất trật tự. Việc tranh giành khách, lôi kéo khách ở các ga lớn bây giờ không còn nữa, nhưng ở đây thì…” – ông Đặng Văn Thành, người khách đến từ TP Hồ Chí Minh lắc đầu.
Chuyện xe “ôm” giành khách ở ga Tuy Hòa chỉ mới bùng phát gần một tháng nay. Tình trạng này đã khiến nhiều người dở khóc dở cười. Chị Văn Thị Bích Hồng ở Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) bức xúc nói: “Tôi chưa kịp trả giá thì họ lôi lên xe và chạy vùn vụt. Tôi đinh ninh rằng, giá cuốc xe “ôm” về Hòa Hiệp Trung chừng ba chục ngàn đồng. Ai dè gã xe thồ này “cứa” năm chục ngàn đồng”. Còn ông Huỳnh Thanh Phát ở huyện Phú Hòa bực dọc nói: “Họ vây quanh không cho tôi đi ra ngoài để đón xe khác, còn túm lấy hành lý sợ mất, tôi theo giành lại, rồi đành phải ngồi đại lên một xe “ôm” để thoát nạn”.
Để hoạt động xe “ôm” có trật tự, các cơ quan chức năng đã thành lập các tổ xe “ôm” tự quản ở các bến xe. Tuy nhiên, tình trạng xe “ôm” tranh giành khách đôi lúc lại bùng phát vào những ngày cuối năm. Điều này khiến dư luận rất bất bình. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xử lý và lập lại trật tự. Về lâu dài, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Được biết, ở các bến xe lớn như bến xe Miền Đông, bến xe Đà Lạt…, những người hành nghề xe “ôm” được cấp thẻ hành nghề. (Trên thẻ có hình, ghi rõ họ tên và mã số). Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng Phú Yên cần sớm quản lý đội ngũ xe “ôm” bằng thẻ. Những xe “ôm” nào chưa có thẻ chứng tỏ họ hoạt động “lậu”. Tại các bến xe, nhà ga cần công khai họ tên những người hành nghề xe “ôm” để dễ quản lý.
NGUYÊN ĐỨC