Trong những ngày giáp Tết này, các cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ (CTĐ) bộn bề với những lo toan. Họ lo cái Tết cho những đứa trẻ, cụ già không người thân thích, không nơi nương tựa, lo cho ánh lửa, mâm cơm trong những ngôi nhà tranh xiêu vẹo, nơi có những con người cơ cực, bần hàn… Họ đi góp nhặt sự chia sẻ của bao người để đan kết một mùa xuân nhân ái cho những phận người khốn khó.
Niềm vui của ông Phạm Đích khi nhận được quà Tết - Ảnh: Ngọc Dung
Trong những ngày này, sự bận rộn của anh Hà Trọng Khá và Phan Văn Tiện (Hội CTĐ TP Tuy Hòa) như nhân đôi. Bởi, để có phần quà cho người nghèo đón Tết, Hội phải lo chuẩn bị kinh phí từ hồi tháng 10 âm lịch. Cùng với công văn gửi đến các ban ngành, cơ quan, doanh nghiệp, mỗi cán bộ Hội còn đi gặp từng nhà hảo tâm, từng cơ sở để vận động. Anh Nguyễn Hữu Khoa cùng các đồng nghiệp của mình ở Hội CTĐ Sông Cầu đã đi khắp nơi “xin” từng ký gạo, tấm bánh, lon sữa để giúp người nghèo khó ấm lòng. Anh tâm sự: “Xin được bao nhiêu mình mừng bấy nhiêu. Tất cả đều vì bà con nghèo. Chúng tôi bỏ công, bỏ việc đi vận động cũng vì điều này. Sự mệt nhọc, vất vả của mình sẽ biến mất, khi nhìn thấy niềm vui của người nghèo đón nhận những phần quà ý nghĩa này”.
Dù ở miền ngược hay miền xuôi thì “Tết vì người nghèo, vì người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam” đã trở thành một hoạt động truyền thống mang ý nghĩa nhân đạo cao cả của Hội CTĐ các cấp. Họ lo cái Tết cho những đứa trẻ, cụ già không chốn nương thân, lo cho ánh lửa, mâm cơm cho những phận người cơ cực bần hàn mỗi khi xuân về Tết đến.
Nhiều người nghèo được nhận quà Tết từ những nhà hảo tâm - Ảnh: Ngọc Dung |
Ông Kiều Liễu, Chủ tịch Hội CTĐ Xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa bày tỏ: “Vùng quê Sơn Hà còn nhiều khó khăn. Người dân tộc thiểu số sinh sống ở hai trong sáu thôn buôn của xã, hầu hết dựa vào nương rẫy, mà nương rẫy thì luôn bấp bênh. Vì thế, có đến 50% dân bị thiếu ăn giáp hạt, trong đó 20% cần được cứu trợ thường xuyên. Làm công tác cứu trợ mà không có nguồn quỹ dự trữ, đến khi cần cứu trợ cho bà con địa phương, mình không biết trông cậy vào đâu”. Vì thế, hơn 3 năm nay, ông đã mở rộng mô hình “hủ gạo tình thương” trong xã. Ông bảo: “Từng nắm gạo nhỏ góp lại thành những hũ gạo lớn. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con nghèo trong những dịp đặc biệt như thế này. Năm, mười ký gạo không nhiều nhặn gì, nhưng đó là tấm lòng, là ân tình giữa con người với nhau trong cuộc sống”.
Gặp lại anh Phan Văn Tiện hôm Hội CTĐ TP Tuy Hòa phối hợp cùng Phòng khám đa khoa Lê Lợi và ông Lê Đình Thắng (Doanh nghiệp bánh tráng Cẩm Tiên (Đông Bình) tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng gạo, đường cho 150 người nghèo, anh bảo rằng rất vui, vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẻ chia, giúp đỡ những người khốn khó.
Ông Phạm Đích, một người nghèo ở khu phố 3 Nguyễn Huệ, phường 2, TP Tuy Hòa không giấu nổi niềm vui khi được nhận 10 ký gạo cùng số thuốc miễn phí: “Tui không biết nói sao để cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm cũng như tấm lòng của các cô chú trong Hội Chữ thập đỏ. Thiệt tình, trong bụng tui thấy mừng, thấy biết ơn lắm”. 77 tuổi, nhưng ngày ngày ông Đích cũng rảo bước trên đường phố, từ những trưa hè nắng gắt đến những buổi chiều đông giá buốt để bán vé số, kiếm miếng ăn qua ngày. Năm hết Tết đến, nỗi lo lại đè nặng hơn trên vai ông, khi sức khỏe ngày một yếu đi, tiền bạc kiếm được cũng khan hiếm dần, còn vật giá leo thang đến chóng mặt. Nỗi lo đang bao vây thì ông nhận được sự giúp đỡ này. Nụ cười vui giãn nở trên gương mặt khắc khổ: “Vậy là Tết nay, tui không sợ đói rồi!”.
Chia sẻ, giúp đỡ những phận người khốn khóù là việc mà các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đang khẩn trương triển khai trong dịp này, trong đó có sự góp phần không nhỏ của các cán bộ Hội Chữ thập đỏ. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả, đi góp nhặt tình thương của bao người để dệt nên một mùa xuân nhân ái cho những người nghèo.
THỦY VĂN