Giải quyết đất sản xuất, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống lâu dài là một nội dung quan trọng của Chương trình 134. Trong khi các huyện miền núi khác gặp nhiều khó khăn, vướng mắc thì Đồng Xuân triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này.
Thu hoạch mía ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số – Ảnh: N.T
Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Huyện uỷ Đồng Xuân đặt ra từ năm 2001. Thực hiện chủ trương đó, từ năm 2003, huyện miền núi này đã triển khai được nhiều dự án giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Dự án định canh định cư đưa 66 hộ đồng bào buôn Suối Mây (Sơn Phước) ở đầu nguồn hồ Phú Xuân về định cư tại vùng cây Cầy Ba. Nhưng do thiếu đất sản xuất tại khu định cư nên bà con vẫn quay về sản xuất ở nơi cũ. Trước thực trạng đó, huyện đã đầu tư gần 80 triệu đồng đền bù hoa màu và thu hồi 17,2 ha đất của người dân trong vùng để cấp cho bà con buôn Suối Mây thêm 500 m2 /khẩu. Ở buôn Soi Nga (Xuân Lãnh), huyện sử dụng vốn Chương trình 135 tổ chức khai hoang 7 ha san ủi thành đồng ruộng để cấp cho 15 hộ đưa vào sản xuất lúa 1 vụ. Ở thôn Phú Lợi (Phú Mỡ), sau khi xây dựng tại đây một trạm bơm điện, chính quyền địa phương đã đứng ra vận động bà con san sẻ ruộng đất cho nhau. Thời điểm đó, cả thôn có 63 hộ nhưng tỷ lệ hộ nghèo đói chiếm đến 40% do không có ruộng lúa. Già làng Ma Nghĩa cùng với thôn trưởng Ma Tý trực tiếp vận động và chia ruộng cho tất cả 370 nhân khẩu trong thôn để mọi người đều có ruộng làm lúa nước. Sau đó Ma Nghiã còn vận động dân làng khai hoang mở rộng cánh đồng lúa nước Phú Lợi thêm 5 ha nữa.
Chương trình 134 của Chính phủ ra đời đã tiếp sức cho huyện miền núi này tiếp tục giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã lập 5 dự án giải quyết đất sản xuất cho 740 hộ với diện tích 185 ha. Trong năm đầu thực hiện Chương trình quốc gia này, Đồng Xuân triển khai dự án giải quyết đất sản xuất cho bà con ở thôn Suối Cối 2 (Xuân Quang 1). Tại đây, Phòng Dân tộc huyện đã đầu tư 111,2 triệu đồng từ vốn Chương trình 134 lồng ghép với dự án định canh định cư khai hoang được 15 ha cấp cho 45 hộ, bình quân mỗi hộ có thêm 2.290m2. Trong năm vừa qua, Đồng Xuân triển khai 2 dự án khai hoang tại xã vùng cao Phú Mỡ. Thôn Phú Lợi có 9 ha được khai hoang, trong đó có 1 ha ruộng nước cấp thêm cho 45 hộ trong thôn, mỗi hộ 2.000 m2. Ở Phú Đồng, có 22 ha đất màu được khai hoang, giải quyết đất sản xuất cho 57 hộ, tạo điều kiện cho bà con có đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Cũng trong năm này, Đồng Xuân còn xây dựng khu di dãn dân tại chỗ cho 40 hộ với 150 nhân khẩu ở thôn Suối Cối 2 (Xuân Quang 1). Khu tái định cư được đầu tư 118 triệu đồng để thu hồi đất, đền bù hoa màu và san ủi mặt bằng trên diện tích 4,1 ha. Và huyện đã tổ chức cấp đất ở cho mỗi hộ từ 370 đến 420 m2. Những hộ dân được cấp đất ở còn được hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ để xây dựng lại nhà ở theo Chương trình 134 của Chính phủ.
Trưởng phòng Dân tôïc huyện, Phạm Văn Trung cho biết: Để triển khai được những dự án trên, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với chính quyền từng xã, thôn khảo sát tìm quỹ đất hoang hoá phù hợp với điều kiện sản xuất, rồi vận động bà con đốt dọn. Tiếp đó chúng tôi dùng cơ giới san ủi tạo mặt bằng kết hợp với làm đất và lập hồ sơ phân lô chia cho hộ gia đình thông qua sự bình chọn của người dân trong vùng và được chính quyền cơ sở xác nhận. Tuy vậy, anh Trung cũng thừa nhận, việc giải quyết đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại do quỹ đất có thể đưa vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả không còn. Và mức hỗ trợ của nhà nước 5 triệu đồng/ha là quá thấp, không đủ để chuộc lại đất hoặc tổ chức khai hoang, phục hoá nên các dự án đó phải lồng ghép nguồn vốn của các chương trình khác. Đáng chú ý, song song với việc giao đất cho bà con dân tộc thiểu số sản xuất, huyện còn lồng ghép vốn sự nghiệp kinh tế giúp bà con làm đất, cung cấp giống mía, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
NGUYÊN TRƯỜNG