Thời gian qua công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của tỉnh đã được chú trọng và có chuyển biến.
Cán bộ làm công tác trẻ em huyện Phú Hòa được tập huấn kỹ năng truyền thông phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em - Ảnh: P.NHÃ
VÌ DÂN PHỤC VỤ
Để đội ngũ CBCC thực hiện tốt chức trách được giao và phục vụ nhân dân tốt hơn, giúp bộ máy nhà nước vận hành nhanh hơn, từ sau Đại hội Đảng (nhiệm kỳ 2010-2015) và bầu cử đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016), tỉnh đã bố trí, sắp xếp lại cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố phù hợp. Trong đó, cán bộ trẻ, nữ được chú trọng; kịp thời kiện toàn cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị yếu, kém góp phần ổn định tổ chức bộ máy, hoạt động có hiệu quả. Ban cán sự Đảng UBND và UBND tỉnh thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ theo đúng quy trình, quy định của Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời, hướng dẫn các cấp, ngành về quy trình tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển CBCC viên chức đúng theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều quy định, chính sách quan trọng để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC như: Ban hành Nghị quyết về chính sách đào tạo sau đại học ở trong nước, nước ngoài và chính sách thu hút, sử dụng trí thức trẻ; Nghị quyết về chế độ trợ cấp thôi việc đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; quy định nâng bậc lương trước thời hạn đối với CBCC có thành tích xuất sắc trong thực thi nhiệm vụ; viên chức được tuyển dụng phải thi tuyển, xét tuyển nghiêm túc, đúng quy trình, quy định của Nhà nước để đảm bảo chất lượng. Riêng việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã, UBND tỉnh thực hiện Đề án thí điểm đưa trí thức trẻ về công tác ở cấp xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã được xác định là khâu quan trọng để xây dựng nền hành chính tiên tiến hiện đại nên được triển khai tốt, cụ thể. Cuối năm 2010, toàn tỉnh có 1.292/2.040 (63%) CBCC cấp xã đạt chuẩn theo quy định thì đến nay, đã có 1.881/2.300 CBCC (82%) đạt chuẩn theo quy định…
Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) Võ Thị Kiều Ngân (Tây Hòa), chia sẻ: “Về công tác ở xã theo đề án thí điểm, tôi thường xuyên được bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cùng với việc nâng cao trình độ của đội ngũ CBCC, thời gian qua tỉnh cũng rất quan tâm đến việc nâng cao đạo đức công vụ, hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của đội ngũ này. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 23 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
PHẤN ĐẤU ĐẠT CHUẨN
Thực hiện Nghị định số 18 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng CBCC; Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủvề Đềán đào tạo nghềcho lao động nông thôn đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về đào tạo, bồi dưỡng CBCC giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC hàng năm; Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 07 về phát triển nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh giai đoạn 2011-2015…
Ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên cho biết, hiện CBCC của tỉnh cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch và vị trí làm việc theo quy định. Điều đó thể hiện qua trình độ chuyên môn của CBCC được nâng lên rõ rệt, trong đó, có việc tuyển dụng nhiều công chức trẻ có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiều cán bộ trẻ có năng lực đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo và đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Chất lượng của đội ngũ này được chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng, đi đôi với việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn. Bên cạnh đó, CBCC cấp xã cũng được chú trọng đào tạo tốt quy chế văn hóa công sở, cũng như việc ứng xử trong giao tiếp hành chính, trong quan hệ công tác, trong giao tiếp với công dân… Đồng thời, những CBCC mà khả năng chuyên môn chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của công việc, nhiệm vụ được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời. Từ đó, khả năng CBCC xử lý công việc, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được thông suốt và nhạy bén hơn, trách nhiệm đối với công việc được nâng lên rõ rệt, tăng sự hài lòng cho người dân.
Theo bà Thang Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bộ Nội vụ, phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của CBCC đóng vai trò quyết định hiệu quả của bộ máy nhà nước nói chung và của hệ thống chính trị nói riêng. Do đó, một khi xây dựng được đội ngũ này “vừa hồng, vừa chuyên” thì sẽ thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xác định đào tạo, bồi dưỡng CBCC là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, thời gian qua, Phú Yên có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan tham mưu. Theo đó, đội ngũ CBCC trẻ ngày càng được tăng cường, bổ sung; được bồi dưỡng thêm nhiều kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống khó khăn; phương thức đào tạo đa dạng hóa… Đây là chìa khóa để giúp CBCC cấp cơ sở năng động, nhiệt tình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
“Để tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCC vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới, tỉnh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 100% cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh có cơ cấu CBCC được mô tả cụ thể vị trí việc làm và đáp ứng nhu cầu của vị trí việc làm; 100% CBCC cấp xã đạt chuẩn theo chức danh”, Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Lê Tiến cho hay.
PHONG NHÃ