Đẩy mạnh vận động phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong những năm qua luôn được các cấp công đoàn quan tâm. Tuy nhiên, công tác vận động thành lập tổ chức công đoàn ở loại hình doanh nghiệp này luôn gặp nhiều khó khăn do sự cản trở từ chủ doanh nghiệp. Điều này đã làm người lao động (NLĐ) chịu nhiều thiệt thòi trong việc bảo đảm các quyền lợi của mình.
Có tổ chức công đoàn, nhiều quyền lợi của CNLĐ được bảo đảm. Trong ảnh: Công nhân may công nghiệp tại Công ty may CaViNa - Ảnh: N.HÂN
DOANH NGHIỆP CHƯA MẶN MÀ
Khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào cuối năm 2000, các doanh nghiệp Nhà nước ở Phú Yên dần đi vào cổ phần hóa; các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và phát triển mạnh. Điều đáng quan tâm là hiện nay, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp này phát triển chậm và hoạt động chưa hiệu quả.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.359 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 1.331 doanh nghiệp ngoài Nhà nước với hơn 42.000 công nhân lao động (CNLĐ) nhưng mới chỉ có hơn 10% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Theo ông Mã Quang Hưng, Phó chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, công tác vận động các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thành lập tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, có khi phải mất cả năm mới vận động được một doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ doanh nghiệp còn e ngại, sợ ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Ông Hưng cho biết: “Hiện tại 3 khu công nghiệp có 54 doanh nghiệp hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 5.300 CNLĐ. Trong đó, 28 doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn, 26 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn và hơn 2.200 CNLĐ chưa vào tổ chức công đoàn. Vì vậy, chúng tôi đã đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở như: Thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành công tác điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch và đến trực tiếp các doanh nghiệp tìm hiểu tình hình CNLĐ, thăm dò tâm tư, nguyện vọng của họ đối với việc thành lập tổ chức công đoàn. Đồng thời đưa ra các văn bản của Chính phủ, của Công đoàn Việt Nam về việc thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp. Bàn bạc và phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền Luật Công đoàn; quyền và nghĩa vụ của đoàn viên khi tham gia tổ chức công đoàn, sau đó vận động CNLĐ viết đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn. Tuy nhiên kết quả còn hạn chế”.
Chính những khó khăn, bất cập đó khiến tình hình phát triển tổ chức công đoàn cơ sở ở loại hình doanh nghiệp này trong mấy năm gần đây không mấy khả quan. Việc thành lập công đoàn đã khó, để công đoàn ở những doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả càng khó khăn hơn.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG
Lý giải cho vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của người lao động, kinh phí dành cho công đoàn còn hạn chế, trong khi đó cán bộ công đoàn hầu hết kiêm nhiệm, thiếu kiến thức, kỹ năng để điều hành các hoạt động. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Bá Hải (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) nói: “Giới chủ không muốn thành lập công đoàn trong doanh nghiệp, vì nếu có tổ chức Công đoàn, họ sẽ phải thực hiện đúng các quy định về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đồng thời phải dành thời gian cho hoạt động công đoàn”.
Ngoài những hạn chế trong công tác vận động và thái độ né tránh của các doanh nghiệp thì việc chưa có một chế tài đủ sức răn đe cũng là một trong những bất cập góp phần làm công tác phát triển công đoàn ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước thiếu và yếu. Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung nêu rõ: “Khi doanh nghiệp đang hoạt động và mới thành lập thì sau 6 tháng phải thành lập tổ chức công đoàn...”. Nhưng trong thực tế rất nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn cơ sở nhưng lại không thành lập mà không bị xử lý gì. Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Kim Hùng, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Tổ chức công đoàn chỉ có thể thực hiện tuyên truyền, vận động còn việc xử lý vi phạm trong Bộ luật Lao động không quy định và cũng không thuộc quyền hạn của LĐLĐ. Hiện nay vẫn chưa có chế tài nào xử phạt doanh nghiệp không thành lập tổ chức công đoàn cơ sở hoặc không tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động”. Ông Hùng khẳng định: “Nếu chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động của tổ chức công đoàn mà không có sự can thiệp của pháp luật thì công tác phát triển công đoàn ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước khó mang lại hiệu quả. Công đoàn cần phải đa dạng hóa loại hình vận động, tập hợp công nhân. Muốn vậy, cần nghiên cứu các loại hình doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài Nhà nước để hiểu rõ cơ cấu vận hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ cấu số lượng, chất lượng đội ngũ CNLĐ. Mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp phải có quy trình, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Từ đó lựa chọn những CNLĐ có trình độ, có bản lĩnh, phẩm chất chính trị tốt làm hạt nhân để nhân rộng, phát huy hiệu quả của việc tuyên truyền vận động để thành lập công đoàn”.
Gần 700 đoàn viên và 6 CĐCS là số lượng các cấp công đoàn vận động phát triển mới trong quý 3/2013. Trong số CĐCS được thành lập mới, có 1 nghiệp đoàn nghề cá, 1 CĐCS đơn vị sự nghiệp và 4 CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước; số lượng đoàn viên hầu hết thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. |
NGỌC HÂN