Chủ Nhật, 06/10/2024 22:20 CH
Người tiêu dùng “rối” trong cơn lốc thực phẩm chức năng
Thứ Sáu, 11/10/2013 14:00 CH

Quảng cáo rầm rộ, lẫn lộn thật - giả hoặc thổi phồng tác dụng của sản phẩm lên đến mức “thần dược” khiến nhiều người tiêu dùng bị rối trước “rừng” thực phẩm chức năng hiện nay.

tpcn131011.jpg

Dựa vào số đăng ký trên sản phẩm để phân biệt thuốc/thực phẩm chức năng - Ảnh: T.HÀ

TRÀN LAN THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Không chỉ quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền hình, thực phẩm chức năng còn được quảng cáo trên báo, đài, trên mạng online và nhiều nhất là qua hệ thống bán hàng đa cấp. Vì xuất phát từ nhiều nguồn thông tin, có lúc chính thống, có lúc không chính thống nên khách hàng bị choáng trong việc lựa chọn sản phẩm. Dựa vào sự nhập nhằng của thị trường thực phẩm chức năng, nhiều cá nhân còn tổ chức làm hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Ngày 3/10/2013, Công an TP Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và thu giữ nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm này gồm nghệ đen, sữa ong chúa, vi cá mập, cùng nhiều loại khác từ Trung Quốc đưa về Việt Nam đóng gói sau đó dán nhãn xuất xứ từ Úc, Mỹ… rồi bán ra thị trường. Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng bởi họ không biết được các sản phẩm này đã luồn lách được đến đâu và họ có mua nhầm hay không? Chị Lê Thị Nguyên Thảo (Đông Hòa) giật mình khi nghe tin trên thị trường có sữa ong chúa giả. “Tôi mới đặt mua bình sữa ong chúa Royal Jelly của Úc loại 1.450mg - 365 viên với giá 445.000 đồng. Nhưng cũng sản phẩm này, có nơi bán 580.000 đồng, thậm chí 950.000 đồng nên tôi rất phân vân không biết mình có mua nhầm hàng giả không?”, chị Thảo lo lắng.

Hiện nay, trên thị trường tồn tại hàng ngàn nhãn hàng thực phẩm chức năng, các nhà thuốc trên địa bàn TP Tuy Hòa cũng đã bán vài trăm sản phẩm. Vì vậy, để quản lý mặt hàng này là điều không dễ. Bác sĩ CK1 Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên cho biết: “Phú Yên là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý việc kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng. Theo đó, hầu như 100% các nhà thuốc trong tỉnh được phép kinh doanh mặt hàng này dưới sự quản lý của Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm với những quy định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà sản xuất thực phẩm chức năng đã “lách luật”, quảng cáo không đúng quy định. Ngoài ra, có nhiều sản phẩm được bán qua mạng online hay mạng lưới bán hàng đa cấp khiến chúng tôi rất khó phát hiện để xử lý”.

CHỌN ĐÚNG SẢN PHẨM

Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam nhiều năm qua nhộn nhịp nhưng mập mờ giữa ranh giới sáng - tối khiến người sử dụng có cái nhìn sai lệch. Bên cạnh những người xem thực phẩm chức năng có thể điều trị bách bệnh thì cũng có những người không tin vào các sản phẩm này. Vì vậy, để tránh tình trạng “nhiễu” thông tin, người tiêu dùng cần hiểu đúng và thận trọng khi lựa chọn thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị.

Đứng ở góc nhìn chuyên môn, dược sĩ Lê Tiến Lực (Đông Hòa) cho biết: “Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng hiện nay thường được quảng cáo rầm rộ và đẩy công dụng lên cao khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đó là thuốc có tác dụng chữa bệnh. Mặt khác, sản phẩm này thường được bán ở các nhà thuốc và vẫn được nhiều bác sĩ chỉ định cho dùng kèm thuốc để hỗ trợ điều trị, vì vậy nhiều người bệnh đã tự ý mua dùng trong khi chưa thực sự hiểu rõ tác dụng của chúng”.

Khuyến cáo người tiêu dùng về cách sử dụng thực phẩm chức năng đúng cách, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Trước hết, có thể khẳng định thực phẩm chức năng là “thực phẩm”, không phải là thuốc. Loại thực phẩm này tốt cho cơ thể con người và đã được người Nhật Bản sử dụng từ xa xưa. Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng: Thực phẩm chức năng chỉ dùng để hỗ trợ điều trị cho người trước khi bị bệnh và sau khi bị bệnh. Còn người bị bệnh thì cần có thuốc điều trị. Để mua được những sản phẩm an toàn, khách hàng nên đến các nhà thuốc trong tỉnh, không mua hàng trôi nổi trên thị trường. Người mua cũng cần chú ý: Với những sản phẩm gần giống nhau, nhưng liều lượng các chất khác nhau thì cũng có thể có tác dụng khác nhau. Ví như cùng là viên sủi chứa các vitamin nhưng viên sủi Myvita Kid (Số đăng ký: VD-11268-10) là thuốc kích thích trẻ ăn ngon miệng; trong khi đó, viên sủi Plusssz Gold Max Multivitamin (Số đăng ký: 8165/2007/YT-CNTC) lại là thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng) giúp tăng cường sức khỏe, không có khả năng thay thế thuốc; nếu người sử dụng không hiểu đúng sẽ có sự nhầm lẫn”. Bác sĩ Tâm cũng đưa ra một số điểm để nhận biết đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng. Nếu là thuốc thì số đăng ký sẽ lần lượt là: chữ/số/năm, ví dụ: V/1234/09; nếu là thực phẩm chức năng thì số đăng ký sẽ là: số/năm/chữ. Ví dụ: 1234/2010/YT/CNTC. Dựa vào đó người sử dụng có thể lựa chọn sản phẩm cần thiết.

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek