Thường trực HĐND tỉnh vừa tổ chức đoàn giám sát tình hình cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Hạt, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát về nội dung này. Ông Trần Văn Hạt cho biết:
Thường trực HĐND tỉnh giám sát cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh. Trong ảnh: Ông Trần Văn Hạt, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh kết luận buổi làm việc - Ảnh: T.THẢO
- Mục đích của đợt giám sát nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác CCTTHC, kiểm soát thủ tục hành chính theo Nghị quyết 30C của Chính phủ về việc ban hành chương trình tổng thể CCTTHC nhà nước giai đoạn 1 (2011-2015); các nghị định 181, 17 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định 84 quy trình bổ sung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất; Nghị định 88 về cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, thông qua giám sát để nắm bắt những mặt mạnh, những điển hình, sáng kiến và phát hiện những khó khăn, vướng mắc, thiếu sót trong tổ chức làm cơ sở để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng.
- Theo đánh giá của Trung ương, việc giải quyết cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức cũng như đất chuyên dùng trong thời gian qua ở Phú Yên là rất chậm. Trước đây, Phú Yên là 1 trong 18 tỉnh và gần đây là 1 trong 7 tỉnh thực hiện chậm nhất nước. Đồng thời, đây cũng là nội dung mang tính thời sự cao nên thường trực HĐND tỉnh quyết định chọn chủ đề giám sát CCTTHC trong lĩnh vực đất đai mà cụ thể là cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh.
* Ông có nhận xét như thế nào về lĩnh vực này qua giám sát?
- Qua giám sát, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân thời gian vừa qua ở tỉnh ta đúng là quá chậm như đánh giá của Trung ương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do hồ sơ địa chính ở các xã, phường, thị trấn chưa hoàn chỉnh. Các loại đất như: đất chờ xác định nguồn gốc, đang tranh chấp, thừa kế chưa chia, vướng quy hoạch, ở nhờ, ở đậu; đất hương hỏa từ đường do người thân không muốn giao cho một người cụ thể nào sợ bán đi hiện nay còn tồn tại rất nhiều. Ngoài ra, trách nhiệm của người dân chưa thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có giấy chứng nhận QSDĐ, đặc biệt là bà con miền núi. Bên cạnh đó, có một số tổ chức chưa tích cực, còn chây ỳ trong việc làm các thủ tục hồ sơ để cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Những yếu tố đó đã làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Về yếu tố chủ quan cần phải quan tâm, đó là việc thống kê đối tượng đất được cấp, sẽ cấp chưa đầy đủ, càng thống kê thì càng thấy phát sinh thêm; trình độ cán bộ, công chức còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp xã; vấn đề bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật thông tin chế độ, chính sách mới của cán bộ cơ sở còn lỏng lẻo nên khi hướng dẫn cho nhân dân không đầy đủ một lúc, cứ mỗi lần làm hồ sơ là phát hiện một thiếu sót, làm cho dân đi lại nhiều lần, khiến họ rất bức xúc…
* Những tồn tại trong lĩnh vực này là gì, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, có một số ít cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết hồ sơ chưa thấu đáo, nhịp nhàng; việc phối hợp từ sở đến huyện, từ huyện xuống xã, đặc biệt là giúp cho các địa phương hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ về đất để các địa phương căn cứ vào đó cấp cho nhân dân cũng chưa được tốt.
Mặt khác, vẫn còn một số bất cập trong chính sách, biểu mẫu, ví dụ: đầu năm HĐND tỉnh ban hành bảng giá đất được lấy ý kiến từ cơ sở lên và cơ sở cũng căn cứ vào giá thị trường. Nhưng khi giao đất có thu tiền sử dụng đất của nhân dân mà không qua đấu giá thì phải làm thêm một quy trình nữa là cấp huyện phải trình lên Sở Tài chính và xin ý kiến UBND tỉnh mới đưa về địa phương. Có trường hợp kéo dài từ 2 đến 4 tháng hoặc cả năm người được nhận thửa đất đó mới có thể xây dựng nhà cửa…
* Theo ông, cần có những giải pháp khắc phục tình trạng chậm trong thời gian đến như thế nào?
- Theo tôi, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền vận động nhân dân là giải pháp hàng đầu. Vì nhiều người dân chưa hiểu, chưa thấy nghĩa vụ phải đi làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận QSDĐ; chỉ những hộ gia đình cần để thế chấp làm kinh tế thì nhiệt tình còn những hộ dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về vấn đề này còn hạn chế. Đồng thời, phải bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, lao động vì có người được đào tạo đúng chuyên ngành, nhưng có người chưa đào tạo đúng chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, kiểm tra vì đây là lĩnh vực khá nhạy cảm dễ có tiêu cực để vừa giáo dục vừa cảnh báo và phát hiện, từ đó có giải pháp tích cực hạn chế thấp nhất tiêu cực.
Song song với đó, ở tỉnh nên thành lập các tổ tư vấn để giúp cơ sở vì nếu không quan tâm đến cơ sở thì có quyết tâm mấy cũng không có chuyển biến nhiều. Theo tôi, khi thành lập các tổ tư vấn nên huy động một số cán bộ có nghiệp vụ, chuyên môn vững vàng. Các tổ này xuống giúp cho cơ sở ở giai đoạn đầu, sau đó, họ căn cứ vào “mẫu” mà làm tiếp theo. Có như vậy sẽ khắc phục được việc chậm trễ như hiện nay.
*Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)