Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37 về tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) và gia đình thay đổi nhận thức, hành vi trong tiêu dùng hàng hóa Việt Nam theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, coi đó là biểu thị lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, xóa bỏ tâm lý ưa dùng hàng ngoại.
Hàng Việt được đưa về các khu công nghiệp thu hút sự quan tâm của công nhân lao động. Trong ảnh: Công nhân mua hàng tại KCN Hòa Hiệp - Ảnh: N.HÂN
Sau 3 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã có sức lan tỏa nhanh, có sự hưởng ứng đóng góp tích cực của đông đảo CNVC-LĐ trên địa bàn tỉnh. Thông qua cuộc vận động này, người tiêu dùng Phú Yên có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tạo điều kiện cho hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vận động CNVC-LĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thông tin quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng và hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào cuộc sống, cần phải tăng cường bảo vệ quyền lợi, đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng; các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam thay đổi ý thức khi mua và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.
Còn bà Trịnh Thị Ngọc Thủy, Trưởng ban Chính sách - pháp luật (LĐLĐ tỉnh) cho biết: Các ngành chức năng cần quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng may mặc, chế biến thực phẩm, tân dược… được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, được vay vốn ưu đãi xây dựng nhà tập thể cho công nhân lao động, để họ yên tâm làm việc, sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao trên thị trường, nhất là các sản phẩm tươi sống, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thông qua việc tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đảm bảo quyền lợi cho CNVC-LĐ, Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tích cực hưởng ứng, phối hợp với chính quyền xây dựng các chương trình, giải pháp, kế hoạch nhằm thực hiện cuộc vận động, đồng thời vận động cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ tham gia giám sát, phát hiện việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Tô Văn Khải, Phó chủ tịch Công đoàn khu Kinh tế tỉnh cho biết: “Hàng năm, nhân “Tháng công nhân”, Công đoàn phối hợp với siêu thị Co.opMart Tuy Hòa tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng Việt với giá ưu đãi về các khu công nghiệp với hàng trăm mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, may mặc… với mức giảm từ 5% đến 10% so với giá bán tại siêu thị. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp và công nhân ở các khu công nghiệp”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, trong thời gian tới, ngoài việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn để đưa hàng hóa về phục vụ công nhân lao động. Có như vậy mới tạo được uy tín của hàng Việt Nam đối với người tiêu dùng Việt Nam nói chung và người tiêu dùng Phú Yên nói riêng.
NGỌC HÂN