Thứ Năm, 10/10/2024 07:23 SA
Nuôi chim cút ở Đông Hòa:
Người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh
Thứ Hai, 05/08/2013 11:00 SA

Mới đây, dịch cúm A/H5N1 bùng phát trên đàn chim cút ở tỉnh Tiền Giang. Nhiều người nuôi cút ở huyện Đông Hòa đang rất lo lắng vì nguy cơ bùng phát dịch khá cao nên đã chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn chim cút của mình.

 

cut130805.jpg

Anh Trần Cao Bá, thôn Phú Hiệp 1 đang chăm sóc đàn chim cút của gia đình - Ảnh: T.HIẾU

NGƯỜI NUÔI CHỦ ĐỘNG

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, toàn huyện có gần 280 hộ nuôi chim cút tập trung tại hai xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc với tổng đàn hơn 300.000 con chim cút đẻ và 150.000 chim cút dưới 40 ngày tuổi (tăng 20% so với cùng kỳ). Do số lượng chim cút tăng nhiều, mật độ nuôi dày nên dịch bệnh có nguy cơ bùng phát rất cao. Đặc biệt, mới đây đàn chim cút ở tỉnh Tiền Giang đã bị dịch cúm A/H5N1 nên người nuôi ở địa phương này càng lo lắng hơn. Anh Trần Cao Bá ở thôn Phú Hiệp 1, xã Hòa Hiệp Trung, cho biết: “Nghe chim cút bị dịch cúm ở tỉnh Tiền Giang tôi rất lo vì dịch bệnh trên đàn gia cầm bùng phát rất nhanh. Để phòng tránh dịch bệnh, tôi chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại như hàng tuần tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại vi rút, vi khuẩn mang mầm bệnh lưu thông trong môi trường nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bùng phát dịch bệnh”. Theo anh Bá, chỉ cần thời tiết thay đổi đột ngột chim cút cũng sẽ bệnh ngay. Điển hình cuối năm 2012, nhiều đàn chim cút ở địa phương này bị bệnh và chết rất nhanh. Nguyên nhân được xác định là do khâu chăm sóc, chuồng trại không đạt tiêu chuẩn, cộng với thời tiết không thuận lợi nên phát bệnh…

 

Ông Lê Ngọc Dư, thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung, cho biết: “Gia đình tôi hiện có 17.000 con chim cút, trong đó 10.000 con chim cút đẻ và 7.000 chim cút đang úm. Do số lượng chim cút nhiều nên lượng phân thải ra rất lớn. Tôi phải thu dọn phân hằng ngày. Đồng thời chuồng nuôi cũng được phun thuốc hoặc xử lý bằng vôi bột”.

 

Theo nhiều người nuôi, chim cút là loài cảm nhiễm nên nguy cơ lây nhiễm giữa chúng rất cao. Để đảm bảo an toàn cho đàn chim, người nuôi chim cút tuyệt đối không nuôi thêm gà, vịt hoặc các loài gia cầm khác để tránh lây nhiễm sang chim cút. Đồng thời, các loại vitamin được bổ sung thêm để tăng sức đề kháng cho đàn chim cút trong những thời điểm giao mùa hoặc thời tiết thay đổi thất thường.

 

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Nghề nuôi chim cút hình thành và phát triển trên địa bàn huyện Đông Hòa từ nhiều năm nay, là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Tuy nhiên, lâu nay mỗi khi chim cút bị bệnh thì người chăn nuôi chỉ biết tự xoay sở. Ông Nguyễn Hữu Thanh ở thôn Phước Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Mỗi khi đàn chim cút nhà tôi bị bệnh, tôi thường mua thuốc ở cửa hàng thuốc thú y về để điều trị. Theo kinh nghiệm nuôi cút 10 năm của tôi thì chim cút thường mắc một số bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, sưng cù đầu, thương hàn… Nếu gọi cán bộ thú y điều trị họ cũng ít muốn vì chưa có kinh nghiệm, sợ mất uy tín”. Một lý do nữa mà người nuôi ít muốn điều trị cho đàn chim cút mỗi khi chúng bị bệnh là chi phí cao, nên các hộ thường chọn giải pháp thải đàn bán thịt.

 

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất mà người nuôi chim cút đang gặp phải đó là không có vắc xin tiêm phòng. Anh Trần Cao Bá cho biết: “Vì không có vắc xin chuyên biệt cho chim cút nên chúng tôi thường mua các loại vắc xin điều trị cho gà, vịt về cho chim cút uống với liều lượng nhỏ, chẳng biết có tác dụng gì không nhưng chẳng còn cách nào khác!”.

Trong khi đó, công tác tập huấn, hướng dẫn biện pháp chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho người chăn nuôi chưa được chú trọng. Theo ông Lê Ngọc Dư, hầu như người chăn nuôi phải tự chủ động trong vấn đề phòng chống dịch bệnh chứ chờ cán bộ thú y thì không được. Vì lâu lâu mới thấy cán bộ thú y đến phun thuốc sát trùng, tiêu độc chuồng trại nên chẳng thấm vào đâu. Nếu lệ thuộc vào cán bộ thú y mà không quan tâm chăm sóc chim cút của gia đình thì rất dễ xảy ra dịch bệnh. Ông Dư còn nói: “Tôi nuôi chim cút đến nay cũng hơn 5 năm nhưng chưa một lần được chính quyền địa phương tổ chức tập huấn về cách nuôi chim cút. Vì thế, hàng năm chúng tôi đi tham dự hội nghị do các công ty chăn nuôi, bán thuốc, bán cám tổ chức mà trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các người nuôi với nhau”.

“Trước thông tin dịch cúm gia cầm xảy ra trên đàn chim cút nuôi ở tỉnh Tiền Giang, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo cho các trạm Thú y huyện rà soát, thống kê lại đàn chim cút nuôi của toàn tỉnh; đồng thời phối hợp cùng chính quyền địa phương hướng dẫn cho các hộ nuôi chim cút các biện pháp phòng ngừa, tiêu độc vệ sinh môi trường, xử lý chất thải… để hạn chế nguy cơ phát bệnh”, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm nói.

TRUNG HIẾU - THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek