Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 quy định chi tiết về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, trong đó quy định cụ thể 2 hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc là đối thoại tại nơi làm việc và hội nghị người lao động.
Đối thoại tại nơi làm việc giúp phát huy tính dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp - Ảnh: N.HÂN
Đây là một bước tiến lớn được quy định tại Điều 63 Bộ luật Lao động 2012. Đối thoại tại nơi làm việc là vấn đề cốt lõi trong thương lượng và là tiền đề xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp ở cơ sở ngay từ đầu; là giải pháp tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh những hậu quả về tranh chấp lao động và đình công trong doanh nghiệp. Theo đó, đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Thông qua đó thực hiện những quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động với các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát và các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Nghị định quy định: Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 03 tháng một lần để trao đổi, thảo luận các nội dung quy định tại Điều 64 của Bộ luật Lao động; khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày. Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức hội nghị người lao động thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.
Những nội dung trong đối thoại tại nơi làm việc bao gồm: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; điều kiện làm việc; yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động; yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tập thể lao động; nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Các vấn đề về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động với các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát và các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã được nghị định quy định cụ thể. Những “nút thắt” trong quan hệ lao động đã được dự kiến đặt ra và có cơ sở pháp lý để tháo gỡ. Vấn đề ở chỗ là những nhân vật chính trên bàn đối thoại, đàm phán, thương lượng sẽ tổ chức thực hiện như thế nào để có kết quả như mong muốn mà mục tiêu của Bộ luật Lao động 2012 đã đặt ra.
Đối thoại với người sử dụng lao động không ngoài mục đích làm hài hòa lợi ích của chủ doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước, phải hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Vì vậy đòi hỏi kỹ năng, hình thức đối thoại, đàm phán phải bảo đảm sao cho người sử dụng lao động nhận thức được vấn đề cần đối thoại, phát sinh thiện chí và tổ chức thực hiện.
Thực trạng trên đặt ra cho các cấp công đoàn yêu cầu phải tìm lời giải cho bài toán nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn ở cơ sở một cách thiết thực và hiệu quả. Công đoàn các cấp phải xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm; phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là một trong những điều kiện để củng cố, phát triển, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
HƯNG DIỆU (LĐLĐ tỉnh)