Thứ Hai, 25/11/2024 23:54 CH
Để các ban của HĐND hoạt động hiệu quả hơn
Thứ Sáu, 26/07/2013 08:54 SA

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định, HĐND cấp tỉnh, thành phố được thành lập 3 ban hoặc 4 ban. Theo đó, HĐND tỉnh Phú Yên được thành lập 3 ban: Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế. Thời gian qua, các ban này đã hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

 

VHXH130726.jpg

Bà Nguyễn Thị Diệu Thiền, Phó ban VH-XH HĐND tỉnh phát biểu tại một cuộc thảo luận ở tổ, kỳ họp HĐND - Ảnh: X.HIẾU

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, phường, nhiệm kỳ 2011-2016, các ban của HĐND tỉnh Phú Yên đều có trưởng, phó ban hoạt động chuyên trách; mỗi ban có 7 thành viên. So với nhiệm kỳ 2004-2011, mỗi ban HĐND tỉnh tăng 1 trưởng hoặc phó ban hoạt động chuyên trách.

Những năm qua, các ban của HĐND tỉnh đã thực hiện khá tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Trước và sau mỗi kỳ họp, các ban đều tổ chức giám sát, khảo sát để nắm tình hình thực tiễn, thực hiện tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp hoặc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; gặp gỡ, làm việc với các ngành, các cấp thu thập thêm thông tin làm cơ sở để thẩm tra, đề xuất những vấn đề HĐND quan tâm.

Trên cơ sở nắm chắc thông tin thực tế, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh ngày càng chất lượng, tính phản biện được nâng lên, làm cơ sở cho việc thảo luận và quyết nghị của HĐND tỉnh. Trong hoạt động giám sát, khảo sát, ngoài tham gia hoạt động giám sát của thường trực HĐND, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các ban đều xây dựng kế hoạch giám sát riêng ngay từ đầu năm, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những kiến nghị bức xúc của cử tri để tiến hành giám sát, khảo sát.

Theo báo cáo, trung bình mỗi năm, mỗi ban thực hiện 2 cuộc giám sát, 4 đến 6 cuộc khảo sát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 3 ban của HĐND tỉnh đã thực hiện 12 cuộc giám sát chuyên đề về các vấn đề “nóng”, nổi cộm trong tỉnh như: tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; công tác khám chữa bệnh cho người có BHYT ở các cơ sở y tế; vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; về tổ chức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và lĩnh vực xây dựng; về kết quả xét xử các loại án của TAND cấp huyện… Sau giám sát, các ban có nhiều kiến nghị sát, đúng, phù hợp với thực tế và có tính khả thi đến các đơn vị được giám sát, các ngành, các cấp có liên quan, được các ngành nghiêm túc tiếp thu, báo cáo phản hồi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Các ban của HĐND hoạt động có hiệu quả là nhờ cơ cấu tổ chức được bảo đảm về số lượng, tỉ lệ đại biểu chuyên trách; HĐND lựa chọn được những đại biểu kiêm nhiệm tham gia thành viên có năng lực, trách nhiệm, chuyên môn phù hợp lĩnh vực. Việc phối hợp hoạt động của thường trực HĐND đối với các ban, giữa các ban với văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chặt chẽ, sâu sát, khoa học và hợp lý. Các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí... bảo đảm cho hoạt động của HĐND nói chung cũng như đối với hoạt động của các ban. Ngoài ra, mỗi ban có từ 1 đến 2 chuyên viên được đào tạo chính quy, có chuyên môn nghiệp vụ.

TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Tuy vậy, quá trình hoạt động của các ban vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đó là, thành viên các ban chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, trong khi đó các ban có nhiều nhiệm vụ, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề mang tính chuyên môn, đòi hỏi nghiệp vụ sâu nên khi đại biểu tham gia các hoạt động của ban đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy, do công việc chuyên môn chiếm nhiều thời gian nên số thành viên này chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của ban; một số điều kiện bảo đảm cho hoạt động của các ban chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như: chưa có quy định hướng dẫn thống nhất về kinh phí hoạt động dành cho các ban trên toàn quốc. Theo quy định, các ban có kinh phí phục vụ cho hoạt động chuyên môn của ban như: Thuê chuyên gia tham gia giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án trước khi trình HĐND; tổ chức các cuộc họp chuyên môn; thu thập thông tin nhưng chưa đáp ứng kịp thời.... Mặt khác, số chuyên viên văn phòng giúp việc còn thiếu, có ban chỉ có 1 chuyên viên giúp việc, nếu chuyên viên này nghỉ vì việc riêng thì không có chuyên viên khác thay thế, dẫn đến công tác tham mưu, phục vụ còn hạn chế...

Để các ban hoạt động ngày càng hiệu quả, trước hết cần bố trí hợp lý cơ cấu đại biểu tham gia vào các ban của HĐND. Tăng số lượng đại biểu chuyên trách có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với công việc tham gia vào các ban từ 2 lên 3 đại biểu hoạt động chuyên trách. Thành viên các ban không nên bố trí nhiều đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, mà cần tăng đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học... Trưởng ban HĐND cấp tỉnh phải được cơ cấu tham gia cấp ủy cùng cấp. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của trưởng, phó và thành viên các ban trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động thường kỳ và chuyên đề của ban. Trưởng, phó trưởng ban phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, điều hành ban bám sát nhiệm vụ chính trị, nghị quyết của HĐND để chủ động lựa chọn nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn và có tính khả thi. Chương trình, kế hoạch hoạt động của các ban phải gắn kết chung với chương trình, kế hoạch hoạt động của thường trực HĐND, của văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, bảo đảm sự phối hợp hoạt động với các cơ quan, ủy ban của Quốc hội khi hoạt động tại địa phương.

Tuy chức năng, nhiệm vụ của mỗi ban được quy định khác nhau, nhưng thực tiễn có rất nhiều vấn đề, nội dung liên quan cần đến sự phối hợp hoạt động. Vì vậy, bên cạnh tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hòa hoạt động đối với các ban; duy trì chế độ giao ban giữa tháng, hàng tháng và hàng quý giữa thường trực HĐND với các ban và văn phòng, thường trực HĐND cũng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc. Đối với những vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ban, thường trực HĐND cần giao một ban chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Cần bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên tham mưu, giúp việc phù hợp cho từng ban và các điều kiện vật chất khác cho hoạt động của các ban HĐND. Cần có quy định cụ thể về kinh phí cho hoạt động chuyên môn của ban, như kinh phí nghiên cứu phục vụ công tác thẩm tra, giám sát, thuê chuyên gia tham gia các hoạt động của ban... Tuyên truyền để các cấp, các ngành, nhân dân nhận thức đúng về vai trò, nhiệm vụ của các ban HĐND. 

AN BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek