Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1/6/2013. Đây là một tín hiệu vui đối với các đối tượng chính sách. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Phất, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh về những nội dung liên quan đến nghị định này.
Việc triển khai NĐ 31/NĐ-CP tạo cơ hội cho các đối tượng chính sách có cuộc sống tốt hơn - Ảnh: K.CHI
* Thưa ông, Nghị định 31 có những điểm mới nào so với các chính sách đối với người có công trước đây?
- Thực hiện Nghị định số 31 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 1/6/2013, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên đang tiến hành điều tra, rà soát và thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng. Nghị định này có 7 chương và 80 điều, hướng dẫn về điều kiện xác nhận, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; việc xử lý vi phạm, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện Pháp lệnh.
Nghị định 31 có nhiều điểm mới, mở rộng và tạo thuận lợi cho đối tượng chính sách như: Căn cứ xác nhận đối tượng là liệt sĩ được mở rộng xem xét đến các trường hợp mất tích, mất tin; đối tượng để xác nhận thương binh, liệt sĩ cũng được xem xét từ nguồn thông tin cung cấp của những người đang trực tiếp tìm kiếm hài cốt được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
* Theo Nghị định 31, Phú Yên có bao nhiêu đối tượng chính sách được thụ hưởng, thưa ông?
- Việc triển khai các văn bản mới về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là rất quan trọng. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 14.000 đối tượng chính sách là người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người thờ cúng liệt sĩ; thân nhân của 2, 3 liệt sĩ đang hưởng trợ cấp 1 lần chuyển sang hưởng trợ cấp hằng tháng với tổng số tiền hơn 52 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 10.000 người thờ cúng liệt sĩ đang hưởng trợ cấp 1 lần sẽ chuyển sang hưởng trợ cấp với mức 500.000 đồng/năm; gần 4.000 chiến sĩ bị địch bắt tù đày đang hưởng trợ cấp 1 lần sẽ chuyển sang hưởng trợ cấp hằng tháng; 200 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp 1 lần sẽ chuyển sang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức thân nhân một liệt sĩ thì nhận bằng một lần mức chuẩn, 2 liệt sĩ thì nhận bằng 2 lần mức chuẩn… Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công với nước, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân trên địa bàn, thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Phất (bìa phải) trao tặng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách ở huyện Tuy An - Ảnh: K.CHI
* Thưa ông, để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi mới, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB-XH cần tập trung các phần việc gì?
- Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách người có công vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, quán triệt văn bản quy định chế độ, chính sách chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao; tinh thần, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác thực hiện chính sách, thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời; còn để xảy ra sai sót, bỏ sót đối tượng, thậm chí còn để xảy ra nhiều sai phạm... Chính vì vậy, khi có Nghị định 31 cũng như các thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH, Sở LĐ-TB-XH đã có hướng dẫn chi tiết đến các phòng LĐ-TB-XH huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, sát với điều kiện thực tế từng địa phương và sớm thông tin kịp thời tới các đối tượng người có công, đồng thời tiến hành rà soát lại toàn bộ chính sách ưu đãi người có công đang thực hiện để điều chỉnh kịp thời, tránh xảy ra sai sót.
* Xin cảm ơn ông!
Những điểm đáng lưu ý trong Nghị định 31
Về trợ cấp, đối tượng là thân nhân của liệt sĩ nay được hưởng trợ cấp tiền tuất theo định suất từng liệt sĩ. Trong đó, thân nhân có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con từ đủ 18 tuổi trở lên sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con dưới 18 tuổi mồ côi cả cha mẹ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn; con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không có thu nhập hàng tháng hoặc thu nhập hàng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng.
Trước đây, thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, nay được hưởng theo 2 chế độ riêng biệt (BHXH và trợ cấp ưu đãi).
Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nay được tính theo 4 mức: suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 40% trợ cấp bằng 0,76 lần mức chuẩn; từ 41% đến 60% trợ cấp bằng 1,27 lần mức chuẩn; từ 61% đến 80% trợ cấp bằng 1,78 lần mức chuẩn và từ 81% trở lên trợ cấp bằng 2,28 lần mức chuẩn.
Đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng trợ cấp.
Người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; Người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại cơ sở của ngành LĐ-TB-XH được hưởng chế độ điều trị; Người có công với cách mạng sống ở gia đình và thân nhân được hưởng mức chi điều dưỡng như sau: điều dưỡng tập trung là 2,22 triệu đồng/người/lần, điều dưỡng tại nhà là 1,11 triệu đồng/người/lần…
KIM CHI (thực hiện)