Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đang giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Nếu làm tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thì không những bản thân người lao động mà cả doanh nghiệp cũng có lợi…
Khám sức khỏe cho công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp - Ảnh: N.HÂN
NGƯỜI LAO ĐỘNG PHẤN KHỞI
Công ty Chế biến song mây xuất khẩu Rapexco (KCN Hòa Hiệp) có gần 1.000 công nhân đang làm việc. Chị Trần Thị Bé, công nhân tại phân xưởng công ty, kể: “Cách đây gần 2 tuần, trong lúc đi làm về, tôi không may bị côn trùng bay vào mắt. Vì trời tối nên vấp phải ổ gà bị ngã xe đập đầu xuống đất, làm sưng phù một bên tai trái và rất đau nhức. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần vì ý thức bảo vệ sức khỏe kém nên tôi vẫn nấn ná chưa đến bệnh viện, chỉ mua thuốc ở bên ngoài về uống để giảm sưng tấy. Hậu quả là tai trái tôi bị viêm, thính lực suy giảm. Nhờ công ty cho khám sức khỏe định kỳ mà tôi mới có điều kiện khám và được hướng dẫn cách điều trị”. Chị Lê Thanh Thảo vui vẻ cho biết: “Tôi làm ở đây lâu rồi và luôn được khám sức khỏe định kỳ do công ty tổ chức. Nhờ vậy, tôi được bác sĩ cho biết về tình hình sức khỏe và tư vấn cách phòng tránh một số bệnh thường gặp”.
Theo Thông tư số 9/2000/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất mỗi năm một lần, còn đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng một lần. Chi phí khám sức khỏe cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Phú Yên quan tâm đến vấn đề này là Công ty cổ phần Điều Phú Yên (trước đây thuộc Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp Phú Yên), Công ty TNHH May xuất khẩu Cavina, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty Chế biến song mây xuất khẩu Rapexco, Công ty cổ phần may An Hưng, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng…
Trong nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng đến việc làm sao để tăng doanh thu, đảm bảo phát triển hoạt động kinh doanh của mình mà còn chú trọng đến các chế độ phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, có một thực tế là trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, giá cả leo thang và lạm phát thì việc một doanh nghiệp quyết định dành thời gian và chi phí để khám chữa bệnh cho tất cả cán bộ công nhân viên là điều không đơn giản. Nhưng nếu nhìn nhận sâu hơn thì đây là điều rất cần thiết, vì cả người sử dụng lao động và người lao động đều có lợi về lâu dài. Bà Lê Thị Phương Hồng, Giám đốc hành chính Công ty Chế biến song mây xuất khẩu Rapexco, cho biết: “Chúng tôi luôn xem người lao động là vốn quý, là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Do vậy mỗi năm, tất cả người lao động của công ty đều được khám sức khỏe định kỳ. Riêng công nhân làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm nhằm kịp thời phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp”.
TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được sự quan trọng của sức khỏe người lao động gắn với lợi ích của doanh nghiệp mình. Giá cả nguyên vật liệu cho quá trình kinh doanh, sản xuất tăng cao, thị trường cạnh tranh nên các doanh nghiệp phải cắt giảm các khoản chi nội bộ và những chế độ đối với người lao động. Để giảm chi phí, không ít doanh nghiệp cắt giảm hẳn chi phí khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên hoặc có khám thì chỉ làm đại khái cho có lệ, không đủ hết các chuyên khoa cần thiết. Hậu quả là nhân sự thay đổi thường xuyên do người lao động tìm được việc làm mới với chế độ phúc lợi tốt hơn. Từ đó, dẫn đến một hệ lụy là doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn lao động ổn định có tay nghề cao và lại phải mất thời gian tuyển người mới, đào tạo từ đầu mà chưa chắc đã tìm được người đảm đương tốt công việc.
Theo Trung tâm Giám định y khoa Phú Yên, lâu nay, số người lao động được khám sức khỏe định kỳ hàng năm chỉ được vài ngàn, trong khi người lao động có nhu cầu khám chữa bệnh lên đến con số hàng chục ngàn. Anh Phạm Công, công nhân làm việc tại KCN Đông Bắc Sông Cầu, cho biết: “Khi nộp hồ sơ xin việc chúng tôi mới đi khám sức khỏe, còn sau đó thì không thấy ai nhắc đến nữa. Công ty có phòng y tế đầy đủ nhưng chưa thấy khám sức khỏe cho công nhân. Với lại, chúng tôi cũng chưa quan tâm đến vấn đề này, cứ thấy khỏe là đi làm, thế thôi”.
Kết quả qua khám sức khỏe định kỳ cho công nhân tại một số công ty, nhà máy trong tỉnh do Trung tâm Giám định y khoa Phú Yên tổ chức mới đây cho thấy các bệnh lý thường gặp ở công nhân trong quá trình sản xuất như: viêm mũi dị ứng, viêm tuyến giáp, bệnh về mắt do bụi bẩn, viêm tai giữa dẫn đến giảm thính lực do tiếng ồn, bệnh về dạ dày (do tính chất công việc, làm việc theo ca nên ăn uống thất thường). Đặc biệt là bị viêm cổ tử cung do nấm, các bệnh phụ khoa (do làm việc trong môi trường ẩm thấp), bệnh bướu cổ, dị ứng da, nấm móng tay (do tiếp xúc quá nhiều với hóa chất). Nhiều công nhân rơi vào tình trạng sức khỏe suy nhược do làm việc quá sức, ăn uống thiếu chất nên cơ thể ốm yếu, xanh xao…
Khám sức khỏe định kỳ nhằm quản lý sức khỏe người lao động, phát hiện bệnh nghề nghiệp, các biểu hiện sức khỏe yếu kém không phù hợp với những công việc đang làm. Qua đó, đơn vị sử dụng lao động kịp thời điều chuyển công việc phù hợp tình hình sức khoẻ thực tế của công nhân, tạo điều kiện cho họ đi khám, điều trị và giải quyết các chế độ được hưởng theo quy định. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Phú Yên, nếu người sử dụng lao động quan tâm cải thiện môi trường làm việc, trang bị bảo hộ lao động để phòng ngừa ngay từ đầu thì tỉ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều. Sức khỏe công nhân tốt thì người được lợi trước tiên chính là người sử dụng lao động chứ không ai khác.
KHÁNH VY