Ngày 15/7/1950, Bác Hồ giao Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên là luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ. 63 năm qua, lực lượng TNXP Việt Nam nói chung và lực lượng TNXP Phú Yên nói riêng liên tục phát triển, cống hiến và trưởng thành, viết nên truyền thống cách mạng vẻ vang.
Các đội viên cựu TNXP Phú Yên thăm di tích Hội trường Mùa Xuân ở xã Sơn Long (Sơn Hòa) - Ảnh: V.TÀI
SỐNG ANH DŨNG KIÊN CƯỜNG, CHẾT KIÊN CƯỜNG DŨNG CẢM
Theo ông Cao Văn Thử, Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Phú Yên, tháng 8/1964, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định lấy lực lượng thanh niên hỏa tuyến trực thuộc ngành Giao thông vận tải thành lập tiểu đoàn TNXP. Mặc dù số lượng chỉ có hơn 250 người nhưng đơn vị đã làm nên nhiều thành tích to lớn như chuyển hàng trăm vũ khí từ tỉnh Đắk Lắk, xã Sơn Định (Sơn Hòa) về căn cứ cách mạng vùng Núi Sầm (xã Hòa Trị, Phú Hòa) an toàn. Hai năm sau đó, phát triển thành 3 tiểu đoàn, đội quân TNXP Phú Yên ngày càng trở nên lớn mạnh và lập nhiều chiến công vang dội. Trong đó, tiêu biểu như trận đánh đưa đồng chí Bá Nam Trung và đồng đội ra khỏi vòng vây của địch tại xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) hay 2 lần vận chuyển thành công vũ khí, lương thực cho cuộc chiến Gò Thì Thùng (xã An Xuân, Tuy An) vào năm 1966.
Đến năm 1967, địch chuyển sang Chiến tranh cục bộ, cũng là lúc lực lượng TNXP phát triển mạnh và đóng quân ở nhiều nơi tại huyện miền núi Sơn Hòa như Suối Tích, Hòn Lúp, Suối Phèn, Suối Ché. Bước vào năm 1968, trước sự đánh phá của địch, lực lượng TNXP Phú Yên giảm xuống chỉ còn 160 người. Những năm sau đó, tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Đảng, hàng trăm thanh niên từ Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân lại tham gia vào lực lượng TNXP để phục vụ chiến trường miền Tây Phú Yên. Đặc biệt, sau năm 1971, để tăng cường lực lượng cho chiến trường trong thời kỳ quyết định, các đồng chí lãnh đạo cùng đội quân chủ lực của TNXP tổ chức vận động thanh niên ở TX Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân gia nhập TNXP. Qua một tuần vận động, số lượng mỗi đại đội lên đến 250 đội viên, 40 ngựa thồ, 250 xe đạp thồ được chia làm các đội mã tải thồ và cõng bộ.
Từ năm 1971 đến 1975 là giai đoạn vô cùng khó khăn mà lực lượng TNXP Phú Yên trải qua như thiếu ăn, thiếu nước và địch liên tục thả bom chặn đánh. Nhưng với sức trẻ và sự quả cảm, “đội quân áo xanh” vẫn ngày đêm vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, không quản hy sinh, tích cực lao động sản xuất, mở đường, phá bom bảo đảm an toàn cho xe thông suốt trên từng nẻo đường chiến đấu. Nhiều người đã anh dũng ngã xuống như chị Thúy, chị Hồng, chị Trạng và hàng trăm anh chị em đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để viết nên bản anh hùng ca đất và người Phú Yên anh hùng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Mặc dù năm tháng qua đi nhưng lịch sử và trong lòng mỗi người dân mãi mãi ghi sâu những chiến tích của lực lượng TNXP. Chiến thắng Đường 5, Đường 7, Sơn Long, Sơn Định, Gò Thì Thùng mãi mãi là niềm tự hào của lực lượng TNXP Phú Yên. Bởi lẽ trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, chính các anh, các chị đã dành hết sức người, sức của để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng giao phó, tất cả cho tiền tuyến…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng TNXP Phú Yên có 64 liệt sĩ ra đi ở tuổi 20, những tấm gương dũng cảm của họ vẫn còn sáng mãi và đọng lại cho nhiều thế hệ thanh niên sau này.
GÓP SỨC TRẺ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG MỚI
Đối với ông Nguyễn Ngọc Khánh, cựu TNXP, những năm tháng sôi nổi như còn vẹn nguyên trong ký ức của ông. Ông nhớ lại: “Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Phú Yên và Khánh Hòa hợp thành tỉnh Phú Khánh. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đoàn, ngày 27/4/1976, Tỉnh đoàn Phú Khánh thành lập Tổng đội TNXP để bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Lúc này, hơn 8.000 thanh niên đã gia nhập lực lượng TNXP đến những vùng đất hoang vu để xây dựng vùng kinh tế mới như Lỗ Rong, Sơn Thành, Sông Hinh… Ngày đó, nhiều cô gái, chàng trai trẻ từ thành thị đến nông thôn đã tự nguyện gia nhập vào đội quân TNXP đi lên những vùng sâu, vùng cao của miền Tây Phú Yên để góp phần xây dựng công trình thủy điện; khai hoang hàng ngàn hecta đất đưa vào trồng trọt, tạo điều kiện cho đồng bào lên xây dựng vùng kinh tế mới, tiêu biểu như các trung đoàn 1 Tháng 4, 2 Tháng 4, 30 Tháng 4, Lâm trường Tháng Tám… Nếu như trong những năm tháng chống Mỹ, TNXP Phú Yên đã viết nên những chiến công vang dội, thì sau ngày giải phóng, trên mọi nẻo đường quê mẹ, đâu đâu cũng vang lên bài ca lao động của lớp lớp thanh niên bấy giờ. Những lớp anh chị trong độ tuổi 20 tràn đầy sức sống đã dùng sức trẻ lao động quên mình để biến những vùng đất hoang vu thành những cánh đồng sắn, bắp, lúa mượt mà, góp sức xây dựng quê hương.
Tổ chức Hội Cựu TNXP ra đời đã làm tốt nhiệm vụ vai trò là nhân chứng lịch sử, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết các chế độ chính sách đối với cựu TNXP. Đồng thời, là lực lượng nòng cốt cùng với các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục truyền ngọn lửa truyền thống, ngọn lửa nhiệt huyết của các thế hệ TNXP đi trước, làm cho nội dung giáo dục truyền thống cách mạng và đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thanh thiếu nhi Phú Yên thêm phong phú và sâu sắc…
LỆ VĂN