Thứ Bảy, 05/10/2024 16:20 CH
Nỗ lực trong điều trị sốt xuất huyết
Thứ Hai, 15/07/2013 07:35 SA

Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng từng ngày, số người nhập viện tăng cao, gây quá tải ở một số bệnh viện. Đặc biệt, bệnh nhân sốt xuất huyết bị sốc nặng, rất khó khăn trong điều trị, nguy cơ tử vong cao khi Phú Yên xuất hiện cả 4 chuẩn loại vi rút D1, D2, D3, D4 trên địa bàn.

 

sxbvt130715.jpg

Điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

Đã có hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các trường hợp đó đã được các y, bác sĩ cấp cứu đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trong đó, có trường hợp nhập viện chậm hoặc do bệnh diễn biến khá nặng trước đó.

 

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, từ tháng 5/2013 đến nay, số người nhập viện do sốt xuất huyết tăng nhanh. Trong tháng 5 có 97 ca sốt xuất huyết nhập viện. Đến tháng 6, số bệnh nhân tăng lên 126 người. Và chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7, đã có 58 ca nhập viện do sốt xuất huyết.

 

Các y, bác sĩ ở Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong hai tháng nay luôn đối mặt với áp lực công việc. Cấp cứu trường hợp bị sốc là phải huy động tổng lực trong khoa. Ban đêm, lượng bác sĩ trực có hạn nên càng gặp khó khăn. Những bệnh nhân sốc thường kèm theo viêm cơ tim cấp, viêm gan cấp, xuất huyết tiêu hóa... Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc bệnh viện, cho biết: Gặp một ca sốc nặng do sốt xuất huyết, tốc độ làm việc của đội ngũ y bác sĩ ở đây cao gấp 3 đến 4 lần. Nguyên tắc là dựa vào phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Một bệnh nhân tử vong vì bệnh tim mạch là chuyện dễ hiểu, nhưng khi có một ca tử vong do sốt xuất huyết, chúng tôi bị áp lực rất lớn. Tại khoa đã có đầy đủ thuốc, dịch truyền, máy thở, điện tim cho cấp cứu, nhưng nhân lực thì quá mỏng. Bệnh viện đã vận động nguồn máu sống để truyền máu tươi, nâng tiểu cầu cho bệnh nhân. Có trường hợp nặng phải truyền 6 bọc máu tươi.

 

Bác sĩ Đặng Sĩ Trung, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết được đưa từ Phòng Cấp cứu lưu sang Khoa Truyền nhiễm, một số người đến từ Phòng khám nhiễm. Với sốt xuất huyết, phương pháp điều trị chủ yếu là hạ nhiệt, bù nước điện giải. Và đặc biệt là phải theo dõi sát, xác định được những tình huống xấu có thể xảy ra nếu bệnh nhân có những biểu hiện như đau bụng, nôn, lừ đừ… để xử lý kịp thời.

Từ ngày 1 đến 11/7, 35 bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm đã bình phục và xuất viện. Khoa này hiện còn 32 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo (mức độ 2 của sốt xuất huyết Dengue) đã được điều trị ổn định.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, hơn hai tuần nay, số trẻ nhập viện do sốt xuất huyết tăng đột biến, đặc biệt trẻ em bệnh nặng tăng nhiều lần so với năm 2012. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 25 đến 30 trẻ được điều trị tại đây do sốt xuất huyết. Riêng tại Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện này, mỗi ngày cấp cứu 6 đến 7 trường hợp trong tình trạng rất nặng. Trong tình hình này, các bác sĩ khoa Cấp cứu nhi sơ sinh và khoa Hồi sức cấp cứu phối hợp trực. Nếu khoa nào bệnh nhân vào đông, phức tạp thì bác sĩ khoa kia hỗ trợ. Còn bác sĩ Nguyễn Khoa Nguyên, trưởng khoa Khám bệnh thì tăng cường đến khoa Hồi sức cấp cứu vào ban đêm cũng như ngày thứ 7, chủ nhật. Vì thời gian này bệnh nhân sẽ đến nhập viện để khám lọc bệnh ngay tại khoa Hồi sức cấp cứu, thuận tiện cho việc lọc bệnh, cấp cứu kịp thời. Tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản - Nhi, đã có mấy trường hợp vào bệnh viện trong tình trạng mạch: 0, huyết áp: 0.

Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa, Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh, trong thời gian qua điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết khá đông. Thời điểm này cả tầng hai khu điều trị Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh đều kín bệnh nhân sốt xuất huyết. Không khí làm việc của các y, bác sĩ ở khoa Nội, Nhi tổng hợp rất khẩn trương, căng thẳng. Bác sĩ Nay Y Liêu, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết theo con số tăng dần. Trong đó, hai tháng 5 và 6 số bệnh nhân tăng đột biến. Tháng 7 này nguy cơ bệnh nhân sốt xuất huyết còn tăng mạnh hơn nữa. Nhiều ca ở thể nặng, chúng tôi phải chuyển lên tuyến trên”.

Bác sĩ CK1 Ung Trinh Chi, Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa than phiền: “Hầu hết bệnh nhân nhập viện khi tình trạng đã xấu đi. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng phù đa màng, phù phổi, dịch ổ bụng… do lạm dụng việc truyền dịch ở những cơ sở chữa bệnh không phép khiến công tác điều trị khó khăn, thời gian điều trị kéo dài”.

THU THỦY - YÊN LAN

Nguy hiểm đối với bệnh nhân bị sốc do sốt xuất huyết là khó lường. Vì vậy, ngoài nỗ lực trong công tác phòng, chống bệnh của ngành Y tế, các địa phương cần huy động cộng đồng để góp phần hạn chế sự bùng phát của bệnh. Người dân cần nâng cao ý thức trong việc diệt bọ gậy, diệt muỗi, ngủ mắc màn để phòng bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết thì đến ngay cơ sở y tế chứ không để muộn, bệnh diễn biến phức tạp, khó xử lý. Bệnh nhân được truyền dịch khi có sự chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế có đủ điều kiện. Việc truyền dịch tại nhà cực kỳ nguy hiểm.

(Phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên NGUYỄN THỊ MỘNG NGỌC)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek