Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về công tác người cao tuổi (NCT) Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm vừa có chuyến công tác tại Phú Yên để kiểm tra tình hình triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác NCT và Luật NCT. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, thứ trưởng cho biết:
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm - Ảnh: K.CHI
- Qua kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước đối với NCT, nghe tình hình chung của tỉnh, tôi thấy mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Phú Yên rất quan tâm đến công tác NCT. Tỉnh cũng rất quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến vấn đề này. Đến bây giờ, tỉ lệ NCT được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong tỉnh đạt gần 60% và phần lớn NCT từ 80 tuổi trở lên đều được tỉnh giải quyết trợ cấp thường xuyên theo quy định. Các phong trào như Tuổi cao gương sáng; Ông bà, bố mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền…
và các phương thức hoạt động của các câu lạc bộ dưỡng sinh, văn hóa văn nghệ, thể thao của NCT cũng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các chính sách về giảm nghèo, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo, hộ NCT cũng được tỉnh quan tâm. Tỉnh tổ chức nhiều phương thức chăm sóc sức khỏe định kỳ, cấp phát thuốc cho NCT không có cơ hội để khám chữa bệnh… Qua kiểm tra thực tế ở một số xã, phường, NCT rất vui mừng thông tin cho chúng tôi biết họ được hưởng ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước. Tôi cũng đã trò chuyện, lắng nghe ý kiến NCT ở các địa phương. NCT nhận xét rằng từ khi có Luật NCT đến nay việc thực hiện chế độ chính sách đối với NCT ở Phú Yên kịp thời, đầy đủ; đời sống vật chất, tinh thần NCT được cải thiện đáng kể.
* Thực tế, hiện nay cuộc sống NCT vẫn còn khó khăn, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thưa thứ trưởng?
- Đối với NCT thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn thì Chính phủ cũng như các địa phương đang triển khai tích cực chương trình, chính sách giảm nghèo, có sự hỗ trợ cho họ trong phát triển sản xuất, tiếp cận y tế, nhà ở, nước sạch… Chúng ta xác định chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là chương trình ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tới đây, khi các chương trình giảm nghèo bền vững tiếp tục triển khai cụ thể từ Trung ương đến địa phương thì cũng nhắm vào đời sống NCT. Hiện nay, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên một số yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện chính sách NCT của Phú Yên đạt được vẫn còn khiêm tốn. Chẳng hạn như việc xây dựng quỹ chăm sóc, phụng dưỡng NCT ở các cấp còn nhỏ so với nhiều địa phương khác. Thứ hai, là một bộ phận NCT, nhất là NCT đang sống trong các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn cả về thu nhập lẫn nhà ở. Ví dụ như vẫn còn 600 hộ đang ở nhà tạm bợ cần giải quyết, các sinh hoạt khác của NCT cũng cần phải tiếp tục phát huy nữa.
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh - Ảnh: K.CHI
* Qua kiểm tra thực tế, thứ trưởng có ý kiến gì cần trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác chăm sóc NCT để thực hiện hiệu quả hơn?
- Chúng tôi thấy tỉnh Phú Yên đã xây dựng được chương trình hành động chăm sóc NCT giai đoạn 2013-2020, với nhiều mục tiêu chỉ tiêu cụ thể như: mở rộng diện thụ hưởng BHYT cho NCT, hạ tỉ lệ hộ nghèo và xóa nhà ở tạm cho NCT; mở rộng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT, xây dựng khoa lão khoa tại bệnh viện tỉnh; tổ chức các khu vực ưu tiên cho NCT khi đi khám bệnh tại các trung tâm y tế, các bệnh viện tuyến huyện; huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ NCT trong hoạt động vui chơi giải trí. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên cần tập trung phát huy vai trò của NCT, nâng cao chất lượng chăm sóc NCT theo tinh thần và mục tiêu đã đề ra.
* Xin cảm ơn thứ trưởng!
KIM CHI (thực hiện)
Phú Yên phấn đấu đến năm 2015 khoảng 15% NCT có khả năng tham gia hoạt động kinh tế và có nhu cầu hỗ trợ, được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. Trên 70% số xã, phường, thị trấn thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT; 100% NCT khi ốm đau được khám, chữa bệnh và được sự chăm sóc của gia đình, cộng đồng; 25% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho NCT và Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoa lão khoa. 100% NCT đủ điều kiện theo quy định được giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội. 100% NCT không phải sống trong nhà tạm, dột nát. Trên 80% xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ NCT hoạt động thường xuyên.