Chủ Nhật, 15/12/2024 12:54 CH
Tình phong thư – truyện ngắn của BẠCH VÂN
Chủ Nhật, 10/07/2016 10:44 SA

Minh họa: PV

Nhìn các sĩ tử đi thi, nó bất giác nhớ lại thời học cấp 3 của mình. Bên cạnh sách vở, hành trang trước ngưỡng cửa cuộc sống của nó là một mối tình đầu tinh khôi. Ở cái thời không có điện thoại di động, không internet thì thư tay đã chắp cánh cho những rung động đầu tiên giữa hai người khác giới. Chỉ là một cái nắm tay với rất nhiều cung bậc cảm xúc đã giúp nó và anh có nghị lực, niềm tin bước vào đời.

 

Anh học trên nó một lớp, cùng phòng, lớp anh ca sáng, lớp nó ca chiều. Anh và nó ngồi bàn đầu cùng chỗ, ngăn thứ 2 từ phải vào. Chính cái mặt bàn xù xì cũ kỹ là một lá thư lớn chứa đựng những dòng thư nhỏ chồng lên những dòng thư nhỏ mà anh và nó đã từng ngày từng ngày viết cho nhau.

 

Trong tiết học toán, nó đang định vươn vai, ngáp cho thật sảng khoái. Nhưng nó ngồi bàn đầu, làm thế vô duyên quá nên đành co người lại, duỗi chân ra đất, mặt cúi xuống bàn, tay viết viết những thứ vớ vẩn lên mặt bàn. Chính lúc đó, nó vô tình thấy một dòng chữ nhỏ nguệch ngoạc - “Xin chào! Ai đấy ơi…”. Nét chữ chứng tỏ chủ nhân cũng ở tâm trạng buồn chán và dư thời gian trong tiết học. Một sự đồng điệu ngẫu nhiên đã kéo nó thoát khỏi bài giảng của thầy. Nó liền viết vào phía dưới - “Chao xìn!” và làm một ký hiệu ngáp. Chiều mai tới lớp, đáp lại dòng chữ của nó là một dòng chữ - “Học văn chán quá, ai đấy à…”. Nó viết lại - “Văn hay mà, chỉ có toán là ngán thôi…”. Rồi cứ thế, viết qua viết lại, mỗi ngày một dòng, đầu tiên là tâm sự việc học, sau là giúp nhau cách học những môn mà người kia không thích. Thật không ngờ, nhờ những dòng thư này mà nó yêu luôn những tiết học toán trên lớp tự lúc nào không biết. Những con số không còn khô khan với nó nữa mà trở nên có hồn. Những bài toán không còn là mê cung rối rắm mà trở nên có vần, có điệu đáng yêu như một bài thơ. Từ một đứa học dốt toán, nó đã trở thành khá giỏi chỉ sau 5 tháng quen anh. Buổi sáng tới lớp, anh đọc thư nó rồi viết một lá thư khác lên mặt bàn bằng cách dùng lưỡi lam cạo xóa đi để viết chồng lên. Chiều, nó tới đọc lời giảng của anh, rồi cũng cạo đi để viết bài khác. Cái mặt bàn đen nhẻm, sứt sát, cũ kỹ bỗng trở nên sáng bóng nhờ có hai người thợ là nó và anh ngày nào cũng cạo cạo, xoa xoa lên đó. Anh tâm sự, từ khi nói chuyện với nó, anh thích môn văn hơn. Những bài kiểm tra văn của anh đã vượt qua khỏi ngưỡng cứu vớt 5 điểm để nâng lên thành 6 điểm, 7 điểm.

 

Một hôm, nó vừa tới lớp đã bị vây quanh với câu hỏi dồn dập của bạn bè - “Bồ kết với anh nào lớp trên mà các anh tới chỉ vô chỗ mi ngồi để hỏi đó”. Thoáng chút hốt hoảng, nó thầm nghĩ anh đâu có hẹn gặp nó, mà có gặp cũng bí mật sao lại như vậy. Nó nhìn nhanh xuống mặt bàn, trống trơn không một dòng chữ. Nó bắt đầu giận; anh và nó đã thỏa thuận không cho ai biết, vậy mà giờ. Nó cũng không thèm viết câu nào. Ba ngày sau, nó thấy nơi góc bàn có dòng chữ nhỏ - “Em không nói chuyện với anh nữa à!?”. Lúc đầu, nó phớt lờ dòng chữ đó, rồi nó để ý kỹ thấy một dòng chữ nhỏ hơn viết cách dòng vừa đọc 2cm - “Trong hộc bàn”. Nó quờ tay vào ngăn bàn, có tới 3 bức thư được gấp nhỏ nhắn, cẩn thận để trong đó. Nó không dám mở ra đọc ngay mà gập vào cuốn sách. Về nhà mở thư, nó mới biết, vì trong giờ học anh mải giảng toán cho nó nên bị cô giáo và bạn bè phát hiện. Dù anh đã chối rằng anh viết ra bàn cho nhớ bài, cô giáo thì hiểu bỏ qua, còn đám bạn cùng bàn anh, bọn “nhất quỷ nhì ma…” đó thì không tin và quyết tìm ra tung tích người đã khiến cho chiến hữu của chúng bỏ cả giờ ra chơi chỉ để ngồi giải toán lên mặt bàn. Thế là trưa hôm đó, bạn anh ở lại trường rồi chiều tự vô lớp nó với ý định xem mặt nó như thế nào.

 

Sau sự cố đó, nó và anh thỏa thuận không viết thư lên mặt bàn nữa mà viết thư tay giấu ở đống gạch góc sân trường. Thư tay viết được nhiều hơn nên ngoài những bài toán, bài văn trao đổi còn viết thêm những đoạn hỏi thăm sở thích, quan niệm của nhau trước cuộc sống. Có những thứ nó và anh hợp nhau nhưng cũng nhiều thứ không hợp, về cơ bản cả hai đều dễ thỏa hiệp vì đều là người trẻ. Viết thư tay được một tháng, nó và anh quyết định gặp nhau ở công viên phía sau trường. Nó ra ghế đá nơi đã hẹn, nhìn ngó quanh định quay đầu bước thì bắt gặp một người đã đứng đó tự khi nào. Nó và anh nhìn nhau, cùng mắt chữ A, miệng chữ O và “á” lên một tiếng. Thì ra là anh, anh và nó không xa lạ gì. Nhà anh ở đầu ngõ chợ, nơi sáng nào trước khi đi học nó cũng phải đẩy xe rau ra cho mẹ bán. Nó và anh gặp nhau khá thường xuyên, chỉ là không ai nói với ai bao giờ. Anh ngập ngừng - “Là em”. Nó cũng thẹn thùng - “anh”. Trông anh vẫn vậy, gầy và nhỏ như hàng ngày nó vẫn thấy, chỉ có điều hôm nay anh mặc sơ mi trắng nên trông thư sinh hơn. Anh và nó cùng ngồi xuống ghế, cạnh nhau, im lặng, e dè tới cả tiếng đồng hồ. Bỗng anh đứng dậy, xóa tan không khí. Anh cất lời - “Anh làm quen với em được không?”. Vừa nói xong, anh như bất giác nhận ra, nó và anh đã quen từ lâu rồi mà, nên anh sửa lại - “Ý anh là mình chính thức quen từ hôm nay ý”. Nó gật đầu. Bước chân về lớp, nó vừa mỉm cười vừa mơ hồ ngại ngùng, không biết rồi những ngày sau này, gặp anh nó sẽ thế nào. Nó không được như những cô gái khác, sáng thướt tha tản bộ đi học với quần áo thơm tho tươm tất. Nó cực nhọc hơn, sáng nào cũng mồ hôi nhễ nhại vì phải đẩy cả một xe rau lớn cho mẹ. Còn anh nhà ba tầng, ngay chợ trung tâm phố huyện. Mặt tiền nhà anh cho thuê một tháng thôi, chắc cũng bằng cả gia đình nó kéo xe hàng vài tháng. Để tới chợ, nó chỉ có một con đường là đi qua nhà anh, tự ti thật đó nhưng công việc mưu sinh của cả gia đình, nó chẳng thể vì ngại mà không giúp ba mẹ. Nó cũng tự ái, biết đâu vì nó chỉ là con một người bán rau mà anh sẽ không chơi với nó nữa.

 

Sáng hôm sau là một ngày nặng nề nhất với nó, nó chần chừ mãi với cái xe hàng khiến mẹ phải lên tiếng - “Sao không đẩy xe đi con, muộn học thì sao. Con mệt thì cứ đi học đi mẹ đẩy cho”. Nó đã định để cho mẹ đẩy xe, dù sao cũng là ngày đầu tiên chính thức nó có một người khác giới làm bạn nên nó muốn mình xuất hiện với một bộ dạng tốt hơn ngày thường; nhưng nó lại nói - “Dạ, mẹ cứ để con đẩy”. Gần tới chợ, nó cúi mặt đẩy xe, chỉ cầu mong anh đừng nhìn thấy nó. Nó đang suy nghĩ mông lung thì anh xuất hiện, đưa cặp lên xe và đẩy hàng cùng nó. Từ đó, sáng nào anh cũng chờ nó để cùng đẩy hàng. Có anh, xe hàng không nhẹ đi bao nhiêu, cái lớn hơn mà anh mang lại đó là giúp nó vững tin hơn với hoàn cảnh hiện tại và trân trọng công việc lao động khó nhọc của ba mẹ nó.

 

Chỉ còn ít thời gian nữa anh tốt nghiệp lớp 12. Nó biết chắc chắn anh sẽ đỗ đại học, vì anh học rất giỏi tự nhiên và Trường đại học Bách khoa là cái đích của anh. Nhưng rồi một biến cố xảy ra, gia đình anh vỡ nợ vì mẹ anh lén chơi số đề, tới khi vỡ ra phải gán nhà trừ nợ. Từ đó, nó không thấy anh đi học, tìm hoài cũng không gặp được anh. Qua bạn bè anh nó hỏi được quê anh và tìm về. Anh bỏ về ở với bà ngoại. Nó và anh đã nói chuyện với nhau cả một ngày, nó giận và bà anh đã khóc thì anh mới chịu cùng nó quay lại trường. Anh ít nói và im lặng nhiều hơn, không phải vì cuộc sống phía trước khó khăn mà vì sự đổ vỡ niềm tin giữa các thành viên trong gia đình anh trước sóng gió. Rồi anh cũng tốt nghiệp lớp 12 nhưng anh không thi đại học. Ngày hôm đó, anh hẹn gặp nó rồi đột nhiên nắm tay nó - “Anh sẽ đi làm có tiền anh sẽ học đại học. Anh hứa với em, anh không bỏ cuộc! Em cũng vậy nhé…”. Cái nắm tay siết chặt, bàn tay anh ấm áp, rắn rỏi và đầy tin tưởng như chính con người anh. Nếu ở trong một hoàn cảnh khác, cái nắm tay này sẽ rất mềm mại, lãng mạn, đầy thẹn thùng. Nhưng trong khoảnh khắc đó, dù là sự va chạm đầu tiên giữa hai con người khác giới nhưng lại mạnh mẽ, quyết tâm.

 

Anh lên thành phố vừa phụ bán hàng vừa học làm thợ điện cho gia đình người chú. Ngày nó đi học đại học, anh gửi cho nó một cuốn sổ, trong đó có một lá thư và một bông hồng ép khô - “Cảm ơn em, người bạn gái đầu tiên của anh. Có em, anh thấy mình mạnh mẽ hơn, tin tưởng vào cuộc sống hơn. Giờ em và anh mỗi người đã đi theo một hướng, trong muôn vàn ngã rẽ của cuộc đời này nếu có duyên mình sẽ gặp lại. Mình cùng vững vàng em nhé, không vì khó khăn mà lùi bước. Anh sẽ không bao giờ quên được cái nắm tay hôm đó, anh đã phải rất dũng cảm mới dám cầm tay em. Bàn tay em mềm, nhỏ bé mà đầy nghị lực… Hãy cho phép anh gọi em là mối tình đầu của anh…”.

 

Nhiều năm sau, nó đã ổn định cuộc sống với công việc như mong ước. Nó cũng nghe tin, anh sau đó tốt nghiệp đại học Bách khoa, rồi ra mở công ty điện tử riêng và trở thành ông chủ. Nó và anh đã lớn lên bên nhau, suốt thời gian dài vậy mà trong một khoảnh khắc bỗng tự nhiên thấy e lệ, thẹn thùng… Mối tình đầu của anh và nó chính là món quà giúp anh và nó trưởng thành vượt qua khó khăn trong cuộc sống. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hòn Chùa
Thứ Bảy, 09/07/2016 11:00 SA
Nét đẹp ngày hội
Chủ Nhật, 03/07/2016 09:07 SA
Nhà báo trên những nẻo đường tác nghiệp
Chủ Nhật, 19/06/2016 08:12 SA
Mùa cạn ở hạ lưu sông Ba
Thứ Tư, 25/05/2016 09:06 SA
Tháng 4, về lại đường 5
Thứ Bảy, 30/04/2016 11:00 SA
Vui mùa lúa mới
Thứ Tư, 27/04/2016 09:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek