Thứ Bảy, 25/05/2024 16:42 CH
Phú Yên, những năm “tiêu thổ kháng chiến”
Thứ Ba, 14/03/2006 08:54 SA

Chín năm chống Pháp, Phú Yên là tỉnh tự do của Khu V, cực Nam Trung bộ.

 

Năm 1948, có trường hợp 1 chiếc máy bay khu trạm trong nhóm 4 chiếc oanh kích cầu Đá Hàn ở Chí Thạnh, do pockê quá đà cắm đầu xuống ruộng lúa. Tên phi công Pháp chết. Chiếc máy bay được tháo dỡ vận chuyển về công binh xưởng Triêm Đức làm vũ khí.

 

Đoàn quân Nam tiến vào Ga Tuy Hòa tháng 10-1945 - Ảnh: Nguyễn Bá Khoản 

Giặc Pháp đã dùng tàu thủy, ca nô phong tỏa không cho bà con ta đi làm nghề đánh bắt hải sản. Ở các bãi cát như Gành Đỏ, Xuân Đài, An Vũ, Long Thủy, Hòa Đa, Tuy Hòa, Sông Cầu, giặc Pháp luôn có những cuộc đổ bộ lên đất liền nhằm tập kích bắt cán bộ, đốt nhà, phá hoại kinh tế và cuộc sống yên bình.

 

Từ năm 1946, toàn quốc kháng chiến, Phú Yên theo lệnh Bác Hồ thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Các nhà ngói cổ, công trình kiên cố được đập phá không cho địch đổ bộ chiếm giữ, đóng đồn làm công sự chống lại ta. Đứng trên nền đất gạch ngói ngổn ngang, mới thấy sự hy sinh “vườn không nhà trống” của đồng bào ta là to lớn. Với chính sách tôn trọng tín ngưỡng, bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc cổ, Nhà nước cố gắng giữ lại đền chùa. Như thể chẳng đặng đừng, miếu Võ Tiên Châu thờ Quan Công có từ 2-3 trăm năm trước, cùng với cây đa cổ thụ sum sê bóng mát bị địch đổ bộ càn giựt đốt phá năm 1951. Lăng Ông ở cây Cốc và đình chợ Thủy buộc ta phải tháo dỡ, thuyên chuyển. Chính quyền và dân quân xã An Ninh thiết lập trên đỉnh núi Mái Nhà cao 800m một chòi báo động tàu thủy. Núi Mái Nhà nằm sát cửa biển Tiên Châu. Đứng ở đỉnh núi có thể quan sát khắp vịnh Xuân Đài, bao quát huyện Tuy An, từ quốc lộ 1: Triều Sơn chạy dưới chân núi Mái Dự, qua Chí Thạnh đến đèo Quán Cau. Chòi báo động gồm 1 hòn bù bằng thiếc sáng được kéo lên xuống trên một cột cao. Ám hiệu phổ biến:

 

- Biển bình yên không có tàu thủy: hòn bù nằm sát mặt đất.

 

- Biển có tàu thủy đi lại: hòn bù kéo hổng mặt đất.

 

- Tàu thủy bỏ ca nô tam bảng đổ bộ: hòn bù kéo tột đỉnh, kèn trống mõ báo động hai tiếng một, dồn dập.

 

Chính quyền lệnh cho ông già, trẻ nhỏ phải tản cư. Đối tượng còn lại nhất là thanh niên phải ở lại bám biển làm ăn, đánh giặc. Tuy vậy vì hoàn cảnh, lắm ông bà già, trẻ nhỏ vẫn ở lại. Có báo động giặc đổ bộ, số này mới được đưa đi. Mỗi nhà làm một hầm tránh đạn vừa bí mật trốn địch. Ban đêm thay báo hiệu hòn bù bằng tiếng mõ. Một hồi hai tiếng, biển có tàu giặc. Giặc đổ bộ, mõ gõ giật cục hai tiếng một. Trận đổ bộ lên Tiên Châu năm 1947, giặc đốt mấy gian nhà. Nhân dân chạy lên núi A Man, Tân Long. Dân quân gài chông, đặt mìn ở chợ Thủy, rào chướng ngại vật ở dốc Ông Vợt, giết 3-4 thằng Tây làm nức lòng đồng bào. Lệnh giết chó để bảo vệ hầm bí mật ban ra làm nhiều người đứt ruột, quay đi để dân quân đập chết con vật khôn ngoan giữ nhà (Lúc ấy người Phú Yên không biết ăn thịt chó. Chó giết, phải đem chôn động cát. Sau có một số bộ đội Nam tiến chọn những con chó mập được nuôi bằng cơm, chế biến thức ăn. Dần dần mọi người mới biết ăn thịt chó).

 

Trận càn năm 1947, giặc Pháp đổ bộ rất sớm, sục lên tận An Thổ. Trường cấp II Lương Văn Chánh đang tổ chức lễ bế giảng diễn kịch. Tây giả đụng Tây thật. Thầy trò phải một phen hú vía, để rồi buổi chiều quay về thấy trường chỉ còn là đống tro tàn. Niên khóa sau thầy trò phải kéo về Đồng Me, xã An Định cất lại trường khác học.

 

Trận càn năm 1951 tàn khốc hơn. Cả làng Tiên Châu bị đốt sạch. Đêm ấy dân làng trở về, không còn nhận ra đường vào nhà mình. Cả làng như một bãi lửa khổng lồ. Ra chuồng heo, anh em tôi mò được con heo cháy, gỡ thịt ăn trừ cơm. Anh em chúng tôi ôm nhau ngồi bên đống lửa. Bên tai tiếng khóc than của người mất nhà mất của. Tiếng vách nhà cháy thỉnh thoảng đổ uỳnh uỵch. Mùi cây cháy, quần áo, đất cháy khét lẹt, lẫn với mùi mắm, muối biển tanh nồng.

 

Mấy lần phát hiện hòn bù, máy bay tàu thủy nã pháo lên định phá hủy, không ăn thua. Lần đổ bộ này (năm 1951) giặc cho 1 trung đội dàn hàng ngang xông lên. Đồng chí Nguyễn Giáo xã đội trưởng chỉ huy dân quân đánh trả ác liệt. Từ thế trên cao và dựa vào các hang đá, quân ta ném đá, lựu đạn xuống. Cầm cự từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, địch bị thương vong phải rút, một số. Phía Long Uyên, giặc bị bộ đội địa phương Ông Bồ chận đánh, nên bốn giờ chiều buộc toàn bộ địch phải rút xuống tàu.

 

Được sự giúp đỡ của Nhà nước, trên đống hoang tàn cũ, dân chúng lại dựng lại những căn nhà nhỏ hơn, tiếp tục bám biển làm ăn. Đất tro bụi bón tốt rau vườn, thêm chất xanh vào bữa cơm cá mắm.

 

Cho đến tháng 2-1954, để cứu viện cho tập đoàn quân bị vây hãm ở Điện Biên Phủ, địch mở chiến dịch Át Lăng ra vùng tự do Phú Yên với 30 tiểu đoàn, lớp kéo từ Nha Trang ra đèo Cả, lớp đổ bộ, nhảy dù từ Tuy Hòa… Cho đến tháng 5-1954 thì địch bị bộ đội chủ lực ta tiêu diệt và co cụm ở thị xã Tuy Hòa để thực hiện Hiệp định đình chiến Genève.

 

CAO PHI YẾN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Rộn ràng vó ngựa đầu xuân
Thứ Tư, 08/02/2006 08:30 SA
Huyền thoại dấu chân Y Rít
Thứ Năm, 02/02/2006 08:35 SA
Bàn tay vàng đem lại ánh sáng
Thứ Năm, 26/01/2006 15:40 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek