Thứ Sáu, 29/11/2024 21:50 CH
Nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ chấn thương chỉnh hình:
Tiếp tục đầu tư để đáp ứng nhu cầu
Thứ Hai, 02/07/2012 10:15 SA

Hội nghị về mạng lưới chấn thương chỉnh hình lần thứ XV - khu vực phía Nam vừa được Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Phú Yên. Báo Phú Yên phỏng vấn bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

* Bệnh viện CTCH TP Hồ Chí Minh là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về chấn thương chỉnh hình (CTCH), được phân công chỉ đạo tuyến và thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế (luân phiên cán bộ hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới), bác sĩ cho biết khái quát về tình hình mạng lưới CTCH khu vực phía Nam?

bs120702.jpg

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ - Ảnh: T.QUỚI

- Năm 2010, Bệnh viện CTCH TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội CTCH Việt Nam tổ chức tổng kết về mạng lưới CTCH, cho thấy nguồn lực và trang thiết bị hỗ trợ cho mạng lưới CTCH cả nước còn rất thiếu. Trong khi, số ca tai nạn (đặc biệt là tai nạn giao thông) ngày càng gia tăng, đòi hỏi nhu cầu điều trị CTCH càng cao.

Ngoài nhiệm vụ điều trị tại chỗ cho người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, bệnh viện còn được phân công chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới trong lĩnh vực chuyên môn theo đề án 1816 của Bộ Y tế. Từ năm 1998 đến nay, với sự đóng góp của các giáo sư, bác sĩ giỏi chuyên môn đã tham gia giảng dạy cho khoảng 8.000 sinh viên và các học viên đến bệnh viện học tập kinh nghiệm, trong đó có các học viên của Phú Yên. Chúng tôi nỗ lực xây dựng mạng lưới CTCH ở khu vực phía Nam ngày càng mở rộng và theo hướng nâng cao chất lượng chuyên môn. Đến nay, mạng lưới CTCH khu vực phía Nam đã có mặt ở 32 bệnh viện (bệnh viện có chuyên khoa CTCH).

* Theo đề án 1816 của Bộ Y tế, Bệnh viện CTCH TP Hồ Chí Minh đã có những chương trình hỗ trợ nào cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và kế hoạch trong thời gian tới là gì? Vì sao chọn Phú Yên để tổ chức Hội nghị Khoa học mạng lưới CTCH khu vực phía Nam lần này?

- Trước khi đề án 1816 ra đời, Bệnh viện CTCH TP Hồ Chí Minh đã đặt mối quan hệ xây dựng mạng lưới CTCH tại Phú Yên. Cách đây gần 10 năm, chúng tôi đã giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật điều trị, tạo hình “khâu nối bàn tay đứt rời” cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Những năm gần đây, chúng tôi tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật phẫu thuật cao hơn như: thay khớp, mổ nội soi khớp gối, phẫu thuật cột sống, vi phẫu tạo hình... cho các bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tạo điều kiện để các bác sĩ của Phú Yên thực hành chuyên sâu tại TP Hồ Chí Minh theo kiểu cầm tay chỉ việc. Thời gian tới, các chương trình hỗ trợ chuyển giao chuyên môn, nghiệp vụ vẫn được Bệnh viện CTCH TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì. Tùy theo nhu cầu thực tế của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên mà chúng tôi có sự điều chỉnh phù hợp.

Lý do chọn Phú Yên tổ chức hội nghị lần này bởi: Về nguyên tắc khi chọn địa phương tổ chức hội nghị tổng kết chỉ đạo tuyến, chúng tôi phải có những chương trình chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật ở một số dạng chấn thương cụ thể. Các chương trình chuyển giao tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được đội ngũ bác sĩ tiếp thu và thực hiện khá tốt. Có thể nói, Phú Yên là địa phương phát triển tốt kỹ thuật điều trị CTCH. Hội nghị là cơ hội để Bệnh viện Đa khoa Phú Yên báo cáo kết quả, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời khẳng định thương hiệu, tay nghề của đội ngũ bác sĩ của bệnh viện trong lĩnh vực này.

phau-thuat120702.jpg

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên trong một ca phẫu thuật tách ngón dị tật bẩm sinh - Ảnh: T.QUỚI

* Bác sĩ đánh giá thế nào về trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa CTCH của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và điều kiện trang thiết bị y tế hiện nay của bệnh viện?

- Như tôi đã nói, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp thu nhanh và thực hiện tốt các chương trình chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên. Từ những kết quả cụ thể như: phẫu thuật nội soi khớp gối có 10/11 ca cho kết quả tốt và rất tốt đạt tỉ lệ 90,92%, chỉ một ca cho kết quả trung bình; nối thành công một trường hợp đứt lìa bàn tay, mổ vẹo cột sống cho hai bệnh nhi nghèo... cho thấy trình độ và tay nghề của các bác sĩ ở đây giỏi. Điều này càng được nâng giá trị hơn nhiều, khi các bác sĩ của bệnh viện làm việc trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị y tế.

Qua theo dõi, cũng như so sánh với các tỉnh khác trong khu vực, tôi thấy Phú Yên còn thiếu nhiều máy móc thiết bị về chẩn đoán hình ảnh, điều kiện rất cần cho công tác điều trị CTCH. Tôi nghĩ, vấn đề này có cần sự quan tâm thích đáng của tỉnh. Điều mà Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cần làm đó là tiếp tục nâng cao năng lực nguồn nhân lực. Ở đây không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn cho bác sĩ mà cả điều dưỡng, phục vụ cho cả một ê kíp làm việc chuyên sâu. Về máy móc thiết bị hiện đại, bệnh viện nên có cơ chế, chính sách xã hội hóa lĩnh vực này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
7 chứng bệnh từ bia
Thứ Năm, 28/06/2012 11:30 SA
Tầm quan trọng của chất béo
Thứ Tư, 27/06/2012 10:45 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek