Ngày 1/3, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch tay chân miệng.
Theo đó, giao Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh, hạn chế lây lan tối đa dịch bệnh (đặc biệt lưu ý tại các cơ sở nuôi dạy trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học…); rà soát kỹ các cơ sở thực hiện điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng cường tập huấn cán bộ y tế cập nhật phác đồ điều trị; chuẩn bị thuốc, vật tư, trang thiết bị, hóa chất… tổ chức thu dung và điều trị kịp thời, hạn chế không để có trường hợp tử vong; tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ, nhất là các nhà trẻ tư nhân, các hộ trông trẻ tại gia đình…
Ảnh minh họa: Internet
Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường, quản lý sức khỏe học sinh, thông báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời; các trường tiểu học và các trường mẫu giáo, mầm non trong toàn tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện với phụ huynh học sinh về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh và cách nhận biết sớm bệnh tay chân miệng để chủ động cách ly, điều trị kịp thời; đặc biệt là vệ sinh phòng học, dụng cụ, đồ chơi của trẻ em, xử lý phân và chất thải của trẻ em đúng quy định, bảo đảm nước uống, thức ăn hợp vệ sinh.
Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi với nội dung: “Thực hiện ăn sạch, uống sạch, đồ chơi của trẻ sạch, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh” để người dân nhất là bà mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ có được các kiến thức và tham gia tích cực phòng, chống bệnh tay chân miệng….
VIỆT DŨNG