Thứ Tư, 16/10/2024 01:23 SA
Suy dinh dưỡng trẻ em ở Suối Trai:
Chuyện nan giải
Thứ Hai, 12/12/2011 11:00 SA

Mỗi khi thấy trẻ nhỏ ở phố bỏ thừa mứa những thức ăn bổ dưỡng, tôi lại nhớ đến những đứa trẻ ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) khi phần lớn các bé chỉ được ăn cơm với rau rừng, muối hạt…

NAU-AN111212.jpg

Nhân viên Trạm Y tế xã Suối Trai hướng dẫn các bà mẹ nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ - Ảnh: T.THỦY

SUY DINH DƯỠNG VÌ NGHÈO…

Mí Lin (buôn Xây Dựng) đã 5 đứa con. Nhìn các con của chị ai cũng thấy ái ngại vì chúng xanh xao, ốm tỏng đến tội nghiệp. Cách đây ba năm, tôi ghé lại nhà Mí Lin trong lúc ba đứa trẻ đang lục lạo lớp cơm cháy còn dính lại dưới nồi. Chúng nhìn chằm chằm vào nồi cơm đã sạch khi bụng ai nấy vẫn còn đói. Hỏi ra mới biết, mẹ các cháu đi rẫy, gùi theo đứa con nhỏ; đi chừng 10 ngày mới về nhà. Tụi nhỏ cho biết, cứ hai ngày thì nấu cơm một lần, ai thấy đói thì xuống bếp tự ăn. Hình như muối - món ăn thường niên của người dân nơi đây, cũng không có trong nhà này để các cháu làm thức ăn cùng cơm. Trở lại Suối Trai gần đây, tôi nghe nói Mí Lin đã có đứa con thứ năm. Tôi lại không gặp được người phụ nữ này vì chị phải lên rẫy để kiếm cái ăn cho cả nhà. Cũng như trước, chị gùi theo đứa nhỏ nhất. Có lẽ đứa bé chỉ mới vài tháng tuổi kia cũng chỉ như các anh, chị mình, được mẹ mớm chút cơm và ngủ luôn trên rẫy.

Những đứa con Mí Lin tôi đã gặp 3 năm trước, giờ có nhỉnh đôi chút về chiều cao, nhưng vẫn suy dinh dưỡng. Cám cảnh hơn, đứa lớn bị té gãy xương đang được băng bó, nhưng cháu cũng không có gì để bồi dưỡng sức khỏe ngoài những lúc mẹ về cho ăn thêm một ít rau luộc, rau nấu canh được hái từ rẫy.

Mó Dược (75 tuổi, buôn Thống Nhất) phải nuôi 4 đứa cháu ngoại khi mẹ chúng mất hơn 4 năm trước. Cha chúng bỏ các con đi về phía gia đình mình vì hủ tục. Trước đây, ngày ngày bà cháu thường đi nhặt phân bò để bán kiếm tiền, rồi đi hái chút rau rừng về ăn. Các cháu của Mó Dược cũng được động viên theo học để có được cái chữ, nhưng thường buổi sáng chúng phải nhịn đói đến trường. Nhà Mí Din (buôn Thống Nhất) có đến 10 miệng ăn. Tuy trong bữa ăn của gia đình này có cải thiện so với trước, như có lá sắn kho với trái sung và chút cá sông, nhưng với lượng người đông thì dinh dưỡng cho mỗi người cũng chẳng thấm tháp gì. Bởi thế, những đứa em và con của Mí Din vẫn bị Duy dinh dưỡng

... VÀ NHIỀU NGUYÊN NHÂN KHÁC

Mí Nhan (buôn Xây Dựng) làm cộng tác viên dinh dưỡng kim luôn vai trò trưởng nhóm phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em của xã, mỗi tháng chị được phụ cấp tổng cộng 75.000 đồng. Mỗi bữa cơm trắng đơn giản cũng là sự thèm thuồng của hai đứa con nhà chị. Đã vậy, H’Nhan đang mang thai đứa con thứ ba. Không ai biết tác giả cái thai là của ai trong khi hai đứa con trai của chị là hậu quả từ mối tình khờ dại với công nhân Thủy điện sông Ba Hạ. Mọi người xung quanh lo lắng khi sắp tới đây, một mình chị sinh nở, lại không có khoản thu nhập nào. Có người thấu hiểu Mí Nhan, nói rằng: “Ở đây thuộc chế độ mẫu hệ, nhưng nó mới chỉ có hai con trai, nên phải cố mà có con gái”. Cứ thế, họ sinh con vì tập tục mà chẳng còn lo tương lai của chúng… Mí Nhan biết cách để vận động các bà mẹ khác bồi dưỡng khi mang thai, chăm con ở giai đoạn những năm đầu đời, song ngặt nỗi bản thân chị tìm đâu ra cái ăn để bổ sung dinh dưỡng cho con mình.

Với những gia đình có điều kiện thì con họ cũng bị suy dinh dưỡng bởi tập tục kiêng cữ khi mang bầu và sinh nở. Theo chị Đoàn Thị Thu Hương, nhân viên Trạm Y tế xã Suối Trai, phụ nữ ở đây khi sinh con thường thực hiện chế độ ăn kiêng. Nhà có sẵn gà nuôi, nhưng sau khi sinh họ không ăn gà, không ăn trứng gà, thậm chí có người không ăn thịt heo, không uống sữa… Vì thế nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ cũng không đảm bảo.

Nhiều người sinh con đầy tháng đã gùi con lên rẫy. Ở rẫy họ cũng chỉ ăn cơm với muối và rau rừng. Những đứa trẻ sơ sinh được mẹ mang theo ngoài bú mẹ, chúng còn được mẹ cho ăn sớm bằng cơm nhai. “Việc cho con bú sữa mẹ được các bà mẹ ở Suối Trai áp dụng, nhưng ngặt nỗi trong sữa của các bà mẹ ấy không đảm bảo nguồn dinh dưỡng khi họ thực hiện ăn kiêng. Do trình độ văn hóa thấp nên nhận thức của người dân còn rất kém mặc dù chúng tôi tích cực tuyên truyền. Tổ chức bữa ăn dinh dưỡng thì họ đưa con đến để nghe, nhưng về nhà họ ít thực hiện”, chị Hương cho biết.

NỖ LỰC GIẢM SUY DINH DƯỠNG

Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh đã tích cực tác động đến các vùng khó khăn như Suối Trai. Đặc biệt, tại đây Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã hỗ trợ các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng gần 10 năm nay. Chương trình này có những hoạt động và cách làm rất hay. Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng được hỗ trợ bổ sung chất đạm qua thịt, cá, trứng… mỗi ngày 20.000 đồng. Chương trình tiếp thị cộng đồng cũng rất đặc biệt. Cứ mỗi nhóm có 6 bà mẹ gần nhà, mỗi ngày mỗi bà mẹ bỏ ra 1.000 đồng mua sữa đậu nành cho con (trẻ dưới 5 tuổi), cứ thế đúng 7 ngày, mỗi mẹ được tặng phần quà trị giá 10.000 đồng quy đổi thành thực phẩm bổ dưỡng như bánh quy, sữa chua… Chương trình gương điển hình cũng rất bổ ích. Qua đó, những bà mẹ nuôi con khỏe được dịp trao đổi kinh nghiệm với các chị em trong nhóm. Mí Khiêm (buôn Xây Dựng) là một gương điển hình về cách nuôi con. Mí Khiêm kể: “Con tui chỉ thích ăn rau muống, rau ngót, nhất là rau muống xào. Nó không thích ăn trứng luộc thì tui cho ăn trứng chiên; không thích ăn thịt nấu trong canh thì tui nướng hoặc chiên. Xem trình diễn dinh dưỡng ở xã là một chuyện, mình về áp dụng sao cho phù hợp và con mình thích ăn”. Hồi mới sinh con, Mí Khiêm bị bệnh nên chị phải mua thêm sữa bò hoặc nấu cháo lấy nước cho thêm muối, đường cho con uống.

Nhiều chương trình nỗ lực can thiệp giúp giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Suối Trai, song kết quả không như mong muốn. Mỗi ngày 1.000 đồng mua sữa đậu nành cho con không phải ai cũng thực hiện được. Toàn xã chỉ có 30 bà mẹ tham gia nhưng không ổn định. Việc hỗ trợ cho trẻ suy dinh dưỡng nặng mức 20.000 đồng vào lượng đạm cần thiết hàng ngày cho trẻ, chương trình mong muốn mỗi tháng trẻ sẽ lên 0,3-0,4kg, nhưng chưa có kết quả. Bởi hầu hết các gia đình được hỗ trợ đều nghèo, thiếu cái ăn. Thay vì phần ăn ấy chỉ dành cho trẻ suy dinh dưỡng thì cả nhà họ cùng ăn.

Chị Đoàn Thị Thu Hương cho biết, có một thực tế là người dân còn ỷ lại. Nhà nước cho họ gì thì họ dùng, còn không thì thôi. Trong những ngôi nhà ngói đỏ, nhà đúc được cất khi được đền bù đất làm thủy điện, nhiều gia đình hiện không có tiền để trang trải cuộc sống.

Nhân viên y tế, dinh dưỡng ở xã Suối Trai nói riêng, ở tuyến huyện và tuyến tỉnh vẫn tích cực tuyên truyền, vận động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Song, vì nhiều nguyên nhân còn tồn tại nên tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tại đây vẫn còn cao, chiếm 33%.

DƯƠNG THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nấm hương giúp chống suy lão
Thứ Bảy, 10/12/2011 17:00 CH
Ẩn họa trong các món "khoái khẩu"
Thứ Sáu, 09/12/2011 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek