Thứ Tư, 02/10/2024 11:21 SA
Phòng, chống tăng huyết áp:
Khống chế, kiểm soát “kẻ giết người thầm lặng”
Thứ Sáu, 21/10/2011 09:00 SA

Tại sao gọi tăng huyết áp (THA) là “kẻ giết người thầm lặng”?.

 

DO-HUYET-AP111021.jpg

Thường xuyên đo huyết áp để kiểm tra bệnh - Ảnh: T.THỦY

Thứ nhất, tăng huyết áp (THA) là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng. Tỉ lệ người mắc THA ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ. Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có tới 972 triệu người bị THA và con số này được ước tính là khoảng 1,56 tỉ người vào năm 2025. Các yếu tố nguy cơ của lối sống như lười vận động, ăn không hợp lý với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá... là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng gánh nặng này. Một vấn đề khá quan trọng nữa là tỉ lệ người mắc THA ngày một tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển (châu Á, châu Phi). Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006, có khoảng 74,5 triệu người Mỹ bị THA; cứ 3 người lớn có 1 người bị THA. Ngay tại Việt Nam, thống kê mới nhất năm 2008 cho thấy tỉ lệ THA ở người lớn là 25,1%.

 

Thứ hai, THA đã và đang trở thành nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Vào năm 2002, WHO đã ghi nhận trong báo cáo sức khỏe hằng năm và liệt kê THA là “kẻ giết người số 1”. Nói một cách ngắn gọn, đối với người bị THA, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần nếu so với người không bị THA. Nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp đôi khi số huyết áp tăng mỗi 20mmHg đối với huyết áp tâm thu và tăng 10mmHg đối với huyết áp tâm trương. Năm 2008 có khoảng 16,5 triệu người chết vì THA trên toàn thế giới. Thống kê tại Hoa Kỳ năm 2006 cho thấy, có khoảng 56.561 người Mỹ chết vì THA. Đây là những con số thật kinh khủng. Trong cuộc sống bình thường của chúng ta, những nguy cơ chết người mà chúng ta phải đối mặt như thế nào? Một thống kê tại Đức cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã cho thấy, nguy cơ tử vong trong một năm tại Đức là: đi máy bay thì nguy cơ là 1/1.000.000; lái ô tô là 1/5.000; hút thuốc lá là 1/250 và THA sẽ là 1/50 (!).

 

Vấn đề kiểm soát THA cũng đáng để bàn. Ngay tại một số nước phát triển như Hoa Kỳ, trong tổng số người bị THA năm 2006 có khoảng 77,6% là đã được biết bị THA. Trong tổng số bệnh nhân bị THA chỉ có 67,9% được điều trị và chỉ có 44,1% là được khống chế tốt trong khi có tới 55,9% không được khống chế tốt. Tại một số nước như Canada, Anh, Đức..., tỉ lệ bệnh nhân THA được điều trị cũng chỉ từ 27-47%. Tại Việt Nam, thống kê năm 2007, có tới gần 70% không biết mình bị THA, trong số bệnh nhân biết bị THA chỉ có 11,5% được điều trị và chỉ có khảng 19% được khống chế huyết áp đạt yêu cầu (!).

Các biến chứng thường gặp của THA đã được đề cập đến là: Các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành khác, suy tim...), các biến chứng về não (tai biến mạch não, bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não); bệnh não do THA..., các biến chứng về thận (đái ra protein; suy thận...), các biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa, các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người.

 

Thứ ba, đại đa số các bệnh nhân bị THA (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ THA là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo... là hết sức sai lầm. Nhiều khi sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do đã bị tai biến mạch máu não. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết và quan trọng.

 

Thứ tư, THA ở người lớn đại đa số là không có căn nguyên (còn gọi là THA nguyên phát). Chỉ một số nhỏ dưới 5% là THA có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lý khác). Do vậy, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA không đặc hiệu và không có gì khác biệt so với người bình thường.

 

Thứ năm, mặc dù THA đã được chứng minh sự nguy hiểm như vậy, nhưng hiện nay, THA vẫn tồn tại như là một “bộ ba nghịch lý” đó là: THA là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo khá đơn giản) nhưng người ta lại thường không được phát hiện mình bị THA từ bao giờ. THA là bệnh điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều. THA là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn nhưng số người mắc dù được điều trị đạt mục tiêu cũng không nhiều.

 

Và do vậy, đã rất nghiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của THA, mới biết mình bị THA hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt THA là quan trọng như thế nào.

 

Đây thực sự là vấn đề khá khó. Để trả lời được câu hỏi này chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể đối với phía các nhà quản lý, người dân và thầy thuốc.

 

Nhận thức của nhân dân về nguy cơ, thái độ và hành động đối với THA chưa đầy đủ và đúng mực: các nguy cơ thực tế mà người THA bị thường ước lượng không đầy đủ, thường bị bỏ sót hoặc ước lượng dưới mức. Mức THA thật của người bị THA cũng bị ước lượng dưới ngưỡng. Nhiều người còn coi thường về THA hoặc coi THA là có thể chữa khỏi hoàn toàn.

  

(Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống tăng huyết áp năm 2011)

 

GS.TS. NGUYỄN LÂN VIỆT

Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek