Thứ Tư, 09/10/2024 19:24 CH
Phòng bệnh cong vẹo cột sống ở học sinh
Thứ Tư, 11/10/2006 08:15 SA

Theo các bác sĩ, bệnh vẹo cột sống có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh hoặc lúc còn thơ ấu do còi xương, tập ngồi quá sớm hoặc sai lầm trong tư thế… Bệnh thường chỉ biểu hiện rõ đến khi trẻ bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh và trưởng thành gây nên một số dị tật. Điều đáng nói là học trò ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường gặp tình trạng gù, vẹo cột sống nhiều hơn học trò ở thành phố.

 

Chị Nguyễn Thị Linh (Xuân Long- Đồng Xuân) than phiền: Con chị bị cong vẹo cột sống nặng, bắp thịt bị kéo căng và có hiện tượng đau. Khi ngồi học, cháu hay gục đầu lên bàn, ngồi thẳng thì hay bị mỏi. Anh Lê Văn Hưng (phường 7, TP Tuy Hoà) cũng rất lo cho cột sống của con mình. Anh kể: “Xương ngực bé Hồng đã bị biến dạng, chiều dài của lưng bị ngắn lại trông đáng thương lắm. Hồng thường kêu đau lưng, khó thực hiện các động tác cúi xuống, nghiêng hay ưỡn người ra sau khi tập thể dục hoặc trong sinh hoạt thường ngày…”. Vẹo cột sống còn có thể làm xương chậu bị quay lệch, các cơ quan trong ổ bụng cũng có thể dịch vị trí, các rễ thần kinh có thể bị viêm và đau. Lớn lên, thân hình của trẻ bị cong cột sống không bình thường, ảnh hưởng đến hô hấp, làm giảm năng xuất lao động, về lâu dài sẽ sinh ra một số bệnh mạn tính như: đau cột sống kéo dài, thoái hoá cột sống sớm hơn bình thường.

 

Cong vẹo cột sống có thể ít hay nhiều, từ đó dẫn đến các dị tật ở mức độ khác nhau, thường được phân làm 3 loại:

 

Vẹo độ 1: Khi đứng thẳng có xoáy văn cột sống nhưng hình thể vẹo không thấy rõ ràng. Khó phát hiện bằng mắt thường. Nói chung  ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.

 

Vẹo độ 2: Khi đứng thẳng, nhìn sau lưng cũng thấy được hình dáng cong vẹo cột sống, thấy được u lồi sườn do đốt sống bị xoáy vặn. Bắt đầu có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.

 

Vẹo độ 3: Nhìn thấy rõ tư thế  lệch, cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp, có thể gây biến dạng khung chậu, nếu là nữ thì trở ngại tới việc sinh con.

Ở lứa tuổi học đường, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị lệch, vẹo cột sống như: tư thế ngồi không ngay ngắn, không thẳng; bàn ghế ngồi học ở trường cũng như ở nhà không phù hợp về kích thước và khoảng cách ngồi. Phòng học không đủ sáng khiến học sinh khi đọc, viết thường xuyên phải cúi sát vở để nhìn; ngồi học quá lâu không thay đổi tư thế, không nghỉ ngơi… cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên.

 

Tất cả trẻ bị vẹo, gù, lệch cột sống đều có thể phục hồi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Việc điều trị sẽ gặp khó khăn  đối với những bệnh nhân ở độ tuổi trưởng thành, cột sống không còn mềm dẻo, đã có biến dạng nặng. Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, trước hết cần  phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có protein, chất khoáng và vitamin. Bàn ghế ngồi phải phù hợp với lứa tuổi. Cần quan tâm rèn cho các cháu nhỏ có tư thế ngồi ngay ngắn, không nên ép các cháu học quá sức. Cần dành cho các cháu thời gian nghỉ ngơi, giải trí để có một tâm lý thoải mái khi học tập. Phải nâng cao sức khoẻ bằng cách tập luyện thể dục thể thao. Việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng nhằm ngăn chặn sự biến dạng cột sống dẫn tới biến dạng tư thế, khung chậu, thậm chí ảnh hưởng tới khả năng hô hấp và tuần hoàn. Với các biện pháp kỹ thuật điều trị thông thường như vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, chỉnh lại tư thế đứng ngồi trong sinh hoạt, nhất là việc ngồi học của các em học sinh…, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện.

 

MINH TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek