Thể lao hay gặp nhất là lao phổi, chiếm tới 80% các trường hợp mắc bệnh lao. Những người mắc bệnh lao phổi xét nghiệm đờm có vi trùng lao là nguồn lây truyền bệnh cho người sống xung quanh.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH LAO
Triệu chứng toàn thân: Cho dù bệnh lao có thể chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó của cơ thể, gây ra những thể lao khác nhau và mỗi thể lao đều có những triệu chứng riêng, điển hình. Tuy nhiên, ngoài những biểu hiện riêng của từng thể lao, độc tố của vi trùng lao có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như: sốt (thường là sốt nhẹ về chiều hoặc đêm), kèm theo là mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân, da xanh, thiếu máu…
Triệu chứng tại chỗ: Tùy theo vị trí hay cơ quan bị bệnh lao mà biểu hiện các triệu chứng tại chỗ khác nhau, ví dụ:
- Bệnh lao phổi thường có các biểu hiện: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, tức ngực, khó thở, ho ra máu, có đờm…
- Bệnh lao hạch: Người bị lao hạch thường xuất hiện hạch to dính với nhau thành từng khối chắc nổi rõ trên da, trong đó, có tới 95% bị hạch là lao hạch cổ. Khi ấn vào những khối hạch này bệnh nhân không thấy bị đau. Đây là lý do khiến người bệnh chủ quan, không nghĩ đến nguy cơ bị mắc bệnh lao hạch.
- Bệnh lao xương khớp: Triệu chứng điển hình là đau tại chỗ bị bệnh, hạn chế vận động, nếu bệnh diễn biến lâu ngày không điều trị có thể gây rò mủ tại chỗ, nếu bị lao cột sống có thể gây gù, vẹo cột sống, liệt vận động…
- Bệnh lao màng não: Có các biểu hiện dấu hiệu thần kinh như: đau đầu, nôn, táo bón, nặng có thể hôn mê, co giật…
BỆNH LAO CÓ THỂ PHÒNG ĐƯỢC BẰNG CÁCH:
- Phát hiện sớm người mắc bệnh lao phổi và chữa cho khỏi bệnh để không còn khả năng lây vi khuẩn lao cho người khác.
- Giữ gìn sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nhà ở thông thoáng.
Tiêm phòng vắc-xin BCG cho trẻ em dưới 1 tuổi theo lịch tiêm chủng mở rộng.
Theo suckhoedoisong.vn