Thứ Năm, 03/10/2024 20:19 CH
Ngộ độc khí CO (Carbon Monoxit):
Thực trạng và biện pháp phòng ngừa
Thứ Hai, 24/01/2011 10:00 SA

Thời gian gần đây, khí trời trở lạnh nhiệt độ xuống thấp. Để chống lại thời tiết lạnh, biện pháp phổ biến và đơn giản nhất mà nhiều người thường làm là dùng than lửa để sưởi ấm. Chính việc làm này vô tình gây hại cho sức khỏe, thậm chí làm chết người và để lại các di chứng khác do ngộ độc khí than gây ra.

 

NHIỀU TRƯỜNG HỢP NGỘ ĐỘC KHÍ THAN

 

Từ tháng 11/2010 đến nay, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị 8 bệnh nhân bị ngộ độc khí than, trong đó có 1 người tử vong. Một gia đình ở phường 8, TP Tuy Hòa dùng than để sưởi ấm cho con gái vừa mới sinh 10 ngày, trong khi các cửa đều được đóng kín, hậu quả là cả 4 người ngủ trong phòng đều bị ngộ độc, hôn mê, tím tái, sùi bọt mép… Gia đình ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, do trời lạnh nên dùng than ủ ấm cho con gái mới sinh, mẹ và con cùng ngủ trong phòng, các cửa đều được đóng kín, sau đó người nhà phát hiện hôn mê nên đưa vào viện cấp cứu. Một gia đình tại huyện Đồng Xuân, 2 vợ chồng đang ở độ tuổi 40, do trời lạnh nên dùng than lửa để sưởi, đóng kín các cửa. Đến 9g sáng, người nhà phát hiện 2 người đều nằm hôn mê, tím tái. Tình trạng ngộ độc khí than quá nặng, người chồng hôn mê sâu, trụy tim mạch, tím toàn thân, mặc dù được hồi sức cấp cứu tích cực nhưng vẫn tử vong; người vợ tỉnh lại nhưng tinh thần vẫn trong trạng thái bất an.

 

Những trường hợp ngộ độc trên đều do dùng than để sưởi ấm, trong khi các cửa đều đóng kín. Nạn nhân được phát hiện đều bị ngộ độc, hôn mê, tím tái, sùi bọt mép. Sau nhiều giờ cấp cứu hồi sức tích cực (có trường hợp kéo dài đến 20 giờ), các bệnh nhân mới phục hồi sức khỏe.

 

TẠI SAO KHÍ CO LÀM CHẾT NGƯỜI?

 

Biện pháp phòng ngừa ngộ độc CO

 

- Không dùng lò than hoặc lò nướng than để sưởi ấm căn nhà.

 

- Không chạy máy phát điện, hoặc bất cứ loại động cơ nào chạy bằng xăng dầu bên cửa ra vào và cửa sổ, trong tầng hầm của căn nhà, nhà chứa xe, hoặc những nơi bịt bùng. Không lắp đặt hoặc bảo dưỡng thiết bị đốt nhiên liệu khi chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và dụng cụ.

Ngộ độc khí than mà thực chất là ngộ độc khí CO (khí độc Carbon monoxit). Khí CO sinh ra từ lò luyện kim, lò đun nước, lò gốm, xe ôtô, các dụng cụ năng lượng xăng dầu… Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc khí CO thường gặp là dùng than lửa sưởi ấm. Để tiết kiệm, người ta ủ than, làm viên than dùng được lâu hơn, có thể dùng qua đêm, sáng hôm sau không phải mồi lại. Cách làm này than cháy trong tình trạng thiếu không khí. Quá trình yếm khí này sản sinh ra khí CO. Đây là một loại khí cực kỳ độc, được xếp đầu bảng, không màu, không mùi, không tan trong nước, khuyếch tán rất nhanh và chiếm một lượng lớn trong quá trình đốt than.

 

Bình thường Hb (Hemoglobin) trong máu gắn với oxy, vận chuyển oxy cho các tổ chức, cơ quan trong cơ thể chúng ta, nhưng khi có khí độc CO vào máu thì khí CO sẽ đẩy oxy ra khỏi Hb, và khí CO gắn với Hb tạo ra HbCO (Carboxyhemoglobin) nó chiếm chỗ oxy trên Hb và giảm khả năng Hb vận chuyển oxy cho các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, dẫn đến các tổ chức, cơ quan trong cơ thể thiếu oxy. Khi thiếu oxy, các tổ chức, cơ quan trong cơ thể hoạt động theo tình trạng thiếu khí, sinh ra các chất trung gian hóa học có hại cho cơ thể, gây nên hậu quả xấu cho cơ thể và dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

 

Khi bị ngộ độc khí CO, trong khoảng 10 phút, bệnh nhân sẽ nhức đầu, ù tai, hoa mắt, buồn nôn, mệt mỏi, rã rời tay chân, không thể đứng dậy và ngồi dậy được, giãy giụa rồi hôn mê. Tùy theo mức độ ngộ độc, bệnh diễn tiến đến tử vong trong vài giờ đầu hay vài ngày đầu, nếu khỏi thì cũng để lại di chứng về thần kinh và tâm thần rất lớn. Tình trạng ngộ độc thường liên quan đến liều độc (thời gian và nồng độ). Tử vong về ngộ ngộ khí rất phổ biến và thường xuất hiện trước khi bệnh nhân tới được cơ sở y tế. Với người già, dễ bị ngộ độc hơn và thường để lại di chứng kéo dài. Với phụ nữ có thai, khí CO có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương thai, chết và sẩy thai tự nhiên.

 

Khi ngộ độc khí CO có thể gây các biến chứng như: Viêm phổi, phù phổi cấp, mạch nhanh, trụy mạch, xuất huyết não, nhũn não, rối loạn vận động, lẫn lộn, viêm ống thận cấp, vô niệu. Khi bị ngộ độc mà chưa có nhân viên y tế, cần đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, đặt ở chỗ thoáng khí; hô hấp nhân tạo (bóp bóng Ambu) nếu nạn nhân thở yếu, ngưng thở; tạo phương tiện đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất, gần nhất, đồng thời gọi cấp cứu bệnh viện, nhất là xe cấp cứu có trang bị oxy.

  

BS LÊ PHẢI

(Bệnh viện Đa khoa Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek