Thứ Tư, 09/10/2024 16:30 CH
Luyện tập thể thao để cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường
Thứ Hai, 18/01/2010 14:00 CH

Với các bệnh nhân bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường - TĐ) týp II, tập thể dục thể thao thường xuyên là phương pháp điều trị ưu tiên và cần được lên kế hoạch chi tiết giống như khi hướng dẫn chế độ ăn hoặc kê đơn thuốc cho bệnh nhân uống thuốc hạ đường huyết.

 

tap-tdtt.100118.jpg

Tập thể dục rất có lợi cho sức khỏe (Ảnh mang tính chất minh họa)

 

Bệnh TĐ là bệnh mãn tính do rối loạn chuyển hóa glucose gây nên. Bệnh này gây nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu không được kiểm soát và điều trị tốt. Gần đây, một số nghiên cứu cho thấy tập luyện thể dục thể thao còn có khả năng phòng được bệnh TĐ týp II cho những người có nguy cơ cao bị TĐ. Chúng tôi xin nêu lên một số tác dụng, cách luyện tập và môn thể dục thể thao cần thiết để mọi người tham khảo.

 

Tập thể dục giúp kiểm soát đường máu, làm giảm nguy cơ bị các biến chứng tim mạch, giảm trọng lượng của cơ thể, loại bỏ lượng mỡ thừa ở các bệnh nhân bị TĐ týp II có béo phì hoặc thừa cân. Tập luyện còn giúp cải thiện chức năng tim mạch, tăng hoạt động của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như hô hấp, tiết niệu, tăng vận động của hệ cơ, tăng sức co bóp của cơ…

 

Để phát huy được tác dụng của thể dục thể thao mỗi người phải biết lựa chọn cho mình một môn thể dục thể thao thích hợp và có cách luyện tập đúng: nếu chạy bộ, bạn cần chạy từ 14,5-19km/tuần sau tăng dần lên 60km/tuần. Đi bộ cần đi với tốc độ 80-120 bước/phút mỗi ngày cần đi được 8.000-10.000 bước, mỗi bước dài khoảng 0,6-0,8m. Nếu với mục đích giảm cân thì bên cạnh thể dục thể thao cần phải có chế độ ăn kiêng ít colorie (600-800 kcal/ngày). Tập luyện phải tập đều đặn hàng ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Mỗi lần luyện tập nên chia làm 3 giai đoạn, khởi đầu 5-10 phút, tiếp theo 20-45 phút và giai đoạn giảm dần kéo dài 5-10 phút.

 

Nếu luyện tập không đúng, không đủ thì sẽ khó đạt hiệu quả giảm đường huyết, nhưng nếu luyện tập quá mức có thể gây hạ đường huyết, gây các chấn thương, thậm chí có thể gây đột quỵ. Để tránh các nguy cơ trên, các bệnh nhân cần thực hiện các hướng dẫn cụ thể sau đây: trước khi bắt đầu thực hiện chế độ tập luyện cần được thăm khám cẩn thận để phát hiện các biến chứng, nhất là các biến chứng mãn tính của bệnh TĐ; chọn phương pháp tập luyện thích hợp, nếu không có chống chỉ định gì thì người bệnh có thể tập bất cứ môn thể dục thể thao nào mình thích ngoại trừ một số môn không thích hợp với bệnh nhân TĐ như cử tạ, các môn có thể gây chấn thương bàn chân. Trong quá trình luyện tập phải có đủ nước uống, chuẩn bị kẹo ngọt để phòng hạ đường huyết trong khi tập luyện. Sau mỗi lần luyện tập phải kiểm tra chân hàng ngày xem có bị phồng, rộp hay không, có bị rách da, nhiễm trùng...

 

Hầu hết các bệnh  nhân bị TĐ đều có thể và nên luyện tập thể dục thể thao. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao và an toàn mỗi bệnh nhân trước khi lựa chọn một kế hoạch tập luyện nào đó cần được tư vấn của các thầy thuốc.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek