Mụn trứng cá ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tình trạng càng nghiêm trọng thì càng làm cho người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp...
Bị hù khi đến spa
Con gái chị N.L (ở phường1, TP Tuy Hòa) đang dậy thì, trên mặt xuất hiện nhiều mụn trứng cá. Được bạn tư vấn, chị đưa con đến một cơ sở làm đẹp (spa) ở Tuy Hòa để trị mụn.
Nhân viên spa niềm nở đón tiếp hai mẹ con, và chủ spa xuất hiện, vồn vã. Nhìn gương mặt đầy mụn của cô bé vị thành niên, chủ spa kêu lên: Con bé nhiễm ký sinh trùng rồi!
Nói xong chị ta nhanh chóng mở điện thoại, chỉ cho chị L xem hàng loạt hình ảnh của khách hàng. Những gương mặt chi chít mụn mủ, những vùng da gần như biến dạng do mụn. “Nếu không điều trị sớm thì mặt con bé sẽ như vầy, khi đó điều trị càng khó và càng tốn kém”, chủ spa nói.
Chị L choáng váng. Trước giờ chị nghĩ đơn giản rằng con mình dậy thì nên mụn xuất hiện nhiều, ai ngờ con bé bị nhiễm ký sinh trùng! Vậy thì điều trị như thế nào, có kết quả không?
Đương nhiên là có, chủ spa lại lướt ngón tay trên màn hình điện thoại, chỉ cho mẹ con chị xem ảnh vô số khách hàng đã được cơ sở này điều trị thành công. Vấn đề là cần phải kiên trì và làm đúng theo quy trình; chi phí trị mụn hơn 20 triệu đồng.
Chị L choáng váng lần thứ hai. Ai ngờ chi phí điều trị mụn cao vậy. Chị gọi điện cho chồng, thông báo tình hình. Chồng chị nói: Con mình có bệnh thì mình chữa.
“Đột nhiên tôi thấy có gì đó sai sai. Chủ spa không phải bác sĩ, cũng không dùng thiết bị, dụng cụ gì để kiểm tra da, chỉ nhìn bằng mắt thường mà đã kết luận con tôi nhiễm ký sinh trùng. Và có đúng là chi phí điều trị ký sinh trùng trên mặt cao như vậy không?”, chị L kể lại.
Chị bèn nói rằng chưa có tiền và cần phải về nhà trao đổi thêm với chồng; hai mẹ con rời khỏi spa. Sau đó chị L đưa con đến một phòng khám chuyên khoa da liễu. Bác sĩ khám và cho biết con chị đang có sự thay đổi về nội tiết tố, kích thích hoạt động của tuyến tiết bã nhờn làm tắc lỗ chân lông, kết hợp với sự tăng sinh của vi khuẩn ký sinh trên da gây ra mụn. Đây là tình trạng thường gặp ở những người vị thành niên.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích và tư vấn, chị L thở phào. Chị cảm thấy may mắn vì đã ngộ ra kịp thời, không phải mất một số tiền lớn vì thiếu hiểu biết và yếu bóng vía.
Ngăn ngừa, xử trí mụn trứng cá
Theo các chuyên gia da liễu, mụn trứng cá xuất hiện khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thường gặp nhất là do tăng nội tiết tố ở những người vị thành niên dẫn đến tăng tiết bã nhờn làm cho lỗ chân lông bị tắc. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai, nội tiết tố thay đổi, cũng gặp phải tình trạng này. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân sừng hóa các nang lông gây tắc đường thoát bã nhờn...
BSCKII Lê Văn Thuận, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Phú Yên, cho biết: “Đa số trường hợp mụn trứng cá xuất hiện do nội tiết tố thay đổi kết hợp với các yếu tố khác. Nội tiết tố tăng làm tăng tiết bã nhờn, kết hợp với những yếu tố khác gây ra mụn trứng cá”.
Theo bác sĩ Lê Văn Thuận, trên da có một số loại vi khuẩn ký sinh, trong đó có Demodex. Khi gặp điều kiện thuận lợi, ví dụ như da nhờn do tăng tiết bã nhờn, vi khuẩn tăng sinh với số lượng lớn, gây viêm nang lông, viêm da. Bác sĩ chuyên khoa soi da sẽ phát hiện vi khuẩn.
Ngoài ra còn có những tác nhân khác gây mụn như mệt mỏi, căng thẳng kéo dài; thường xuyên thức khuya; sử dụng mỹ phẩm nhiều làm cho lỗ chân lông bị tắc; uống nhiều rượu bia; hút thuốc lá...
Điều cần lưu ý nữa là dùng mỹ phẩm có chứa corticoid sẽ làm cho da suy yếu; Demodex tăng sinh. Corticoid thường có trong kem trộm và một số loại kem trị nám không rõ nguồn gốc, không ghi thành phần trên bao bì.
“Người ta lợi dụng tính bào mòn của corticoid để điều trị nám, làm mịn da. Người dùng mua phải những sản phẩm có chứa corticoid, bôi lên sẽ thấy da mịn màng nhanh, trắng nhanh nhưng tác hại của nó là gây mỏng da, gây nghiện. Sử dụng nhiều, đến khi ngưng thì sẽ bị ngứa, da nổi sẩn, phải điều trị cai corticoid. Kem trộn và những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có chứa corticoid rất có hại cho da”, bác sĩ Lê Văn Thuận lưu ý.
Mụn trứng cá ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tình trạng càng nghiêm trọng thì càng làm cho người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp, nhất là khi bị biến chứng: da rỗ, bị sẹo lồi, da sẫm hơn do tăng sắc tố...
Theo bác sĩ Lê Văn Thuận, để ngăn ngừa mụn trứng cá, cần giữ cho da sạch và thoáng. Khi cơ thể tăng tiết bã nhờn mà ta rửa sạch thì lỗ chân lông thông thoáng, không bị tắc. Vệ sinh da tốt thì vi khuẩn, nấm... ký sinh trên da không có điều kiện sinh sôi nảy nở, không gây viêm. Và cũng lưu ý là không sử dụng kem trộn hay các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ thành phần; ăn nhiều rau, trái cây; uống nhiều nước; có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya; không sử dụng rượu bia, thuốc lá...
Khi bị mụn trứng cá, hãy đến khám tại cơ sở chuyên khoa. Đối với mụn thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn vệ sinh da, bôi thuốc nhằm giúp lỗ chân lông thông thoáng, chống nhiễm khuẩn. Nếu tình trạng trên không được cải thiện, bác sĩ cho dùng kháng sinh kèm theo thuốc bôi...
Tại Bệnh viện Da liễu Phú Yên, mỗi ngày có từ 20-30 người tới điều trị mụn trứng cá, phần lớn là vị thành niên. Nhân viên y tế sử dụng ánh sáng LED để diệt bớt các vi khuẩn ký sinh trên da, giảm viêm. Đây là kỹ thuật an toàn.
Để ngăn ngừa mụn trứng cá, cần giữ cho da sạch và thoáng. Vệ sinh da tốt thì vi khuẩn, nấm... ký sinh trên da không có điều kiện sinh sôi nảy nở, không gây viêm. |
YÊN LAN