Thứ Sáu, 22/11/2024 14:58 CH
Cần lưu ý khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Thứ Hai, 21/08/2023 09:37 SA

Khi có những dấu hiệu cảnh báo virus gây bệnh tay chân miệng đang tấn công vào tế bào thần kinh, trẻ phải được kiểm soát và theo dõi sát tình trạng bệnh. Nếu virus tấn công ở mức độ nặng, trẻ sẽ bị yếu chi sau đó nặng dần là suy hô hấp, hôn mê và tử vong.

 

Bác sĩ Bích Vân thăm khám một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: YÊN LAN

 

Số ca bệnh tăng gấp 5,4 lần

 

Tính đến giữa tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 787 ca mắc, nghi mắc bệnh tay chân miệng; trong đó có 419 ca độ 1, 294 ca độ 2A, 67 ca độ 2B-1, 3 ca độ 2B-2, 4 ca độ 3 (có 2 ca độ 2B-2 và độ 3 đã tử vong). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên, số ca bệnh tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2022 (123 ca). Những địa phương có số ca mắc tăng cao là TP Tuy Hòa, huyện Tuy An, huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa. Đến nay, 46 ổ dịch tay chân miệng được ghi nhận trên địa bàn tỉnh, nhiều nhất là ở TP Tuy Hòa, sau đó đến huyện Tuy An.

 

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, có những ngày Khoa Nội nhi tổng hợp thu dung gần 40-50 bệnh nhi mắc tay chân miệng (chưa kể các bệnh khác), trong khi chỉ tiêu của khoa chỉ 80 giường! Số ca bệnh tay chân miệng nhập viện chỉ giảm trong vài ngày rồi nhanh chóng tăng trở lại và mức độ nặng vẫn còn.

 

Theo BSCKI Phan Thị Bích Vân, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Nội nhi tổng hợp, những năm trước, tác nhân gây bệnh tay chân miệng được phân lập là EV-68; đa số bệnh nhi có triệu chứng nhẹ. Năm 2023, chỉ mới đầu mùa nhưng đã xuất hiện những ca rất nặng và tử vong nhanh chóng chỉ sau vài ngày mắc bệnh; tác nhân gây bệnh được phân lập là chủng EV-71. Chủng virus này tấn công nhanh chóng vào hệ thần kinh của trẻ, dẫn đến viêm não, màng não và gây ra những biến chứng nghiêm trọng khác, khiến nguy cơ tử vong rất cao.

 

Những dấu hiệu nặng

 

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có những triệu chứng đặc trưng: Xuất hiện bọng nước ở lòng bàn tay bàn chân, ở đầu lưỡi, hai bên mép trong của má, ở đầu gối, mông... hoặc xuất hiện rải rác ở toàn thân. Tuy nhiên, trẻ bị lây nhiễm chủng EV-71 thì có một số trường hợp phát ban ở tay chân miệng không điển hình.

 

Bác sĩ Bích Vân cho biết những dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng: Trẻ sốt liên tục, mặc dù dùng thuốc hạ sốt nhưng thân nhiệt vẫn cao; trẻ kích thích, cựa quậy không yên, ngủ không yên giấc; trẻ nằm li bì, không chơi, không tiếp xúc. Trong khi ngủ, trẻ giật mình hoặc ngón tay, chân của trẻ giật. Đây là dấu hiệu cảnh báo virus đang tấn công vào tế bào thần kinh của trẻ. Vì vậy phải kiểm soát và theo dõi sát tình trạng bệnh. Nếu virus tấn công ở mức độ nặng, trẻ sẽ bị yếu chi sau đó nặng dần là suy hô hấp, hôn mê, tử vong.

 

“Virus gây bệnh tay chân miệng rất dễ lây nhiễm trong cộng đồng do tiếp xúc với dịch mũi họng, nước bọt, dịch từ bọng nước và phân của trẻ mắc bệnh. Trong khi đó, tất cả những loại thuốc đang được sử dụng để điều trị không phải thuốc diệt virus, mà là thuốc giảm triệu chứng và tăng miễn dịch cho cơ thể. Trường hợp nặng thì phải phối hợp hồi sức hô hấp tuần hoàn và chống sốc tích cực. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ hướng dẫn để mẹ và người nhà theo dõi, chăm sóc, phát hiện giai đoạn chuyển độ. Hiện nay, điều trị bệnh tay chân miệng là điều trị hỗ trợ, theo dõi, nâng đỡ chứ không thể điều trị diệt virus. Chúng tôi xác định là phải điều trị tích cực ngay từ giai đoạn đầu, không để bệnh diễn tiến nặng mà không phát hiện kịp tại bệnh viện, có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân”, bác sĩ Bích Vân chia sẻ. 

 

Chăm sóc trẻ mắc bệnh

 

Khi trẻ có những dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ hoặc người thân phải ngay lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, phòng khám, bệnh viện...) để được khám, chẩn đoán và tư vấn. Trong thời gian trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần lưu ý giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa nhẹ nhàng, không chà xát, gây vỡ các nốt phỏng để tránh làm lây lan, gia tăng nồng độ virus. Vệ sinh miệng cho trẻ cũng vậy. Dùng gạc vô trùng chấm vào thuốc và chạm nhẹ vào các nốt phỏng để chúng khô, không bị vỡ và lây lan virus.

 

Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Bác sĩ Bích Vân lưu ý: “Trẻ bị bệnh thường đau miệng nên ăn uống khó khăn. Sau khi bôi thuốc, vết phỏng khô, trẻ sẽ bớt đau và ăn được. Thức ăn cho trẻ phải mềm, dễ tiêu; không cho trẻ ăn thức ăn cứng. Mặt khác, khi trẻ bệnh, miễn dịch yếu thì không nên cho trẻ ăn quá nhiều đạm, vì cơ thể trẻ sẽ không hấp thu được gây rối loạn tiêu hóa, càng khó khăn trong việc theo dõi, điều trị”.

 

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, có xu hướng gia tăng từ tháng 3-5 và tháng 9-12 hàng năm.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek