Thứ Tư, 09/10/2024 08:16 SA
Loét giác mạc do lúa văng vào mắt:
Những hiểm nguy khó lường!
Thứ Hai, 22/09/2008 14:30 CH

Đang trong mùa gặt lúa vụ hè thu, do sơ ý và chủ quan, đã có gần một trăm trường hợp bị loét giác mạc (LGM) do lúa văng vào mắt, phải đến điều trị tại các cơ sở y tế.

 

giac-mac-080922.jpg
Bác sĩ Hà Khải Chương đang khám cho một bệnh nhân bị loét giác mạc - Ảnh: T.THỦY

 

Những ngày qua, Trung tâm Mắt Phú Yên chủ yếu tiếp nhận điều trị những bệnh nhân LGM, mà số đông là do mày lúa bay vào mắt.

 

Bà L.T.T ở Sơn Thành Đông (Tây Hòa) thấy mắt đỏ, bị xốn đau sau khi đi làm lúa về. Dùng thuốc nhỏ mắt, lúc đầu bà thấy rất mát mắt và tròng trắng bớt đỏ. Nhưng ngay sau đó mắt bà bỗng đau nhức và sưng nề. Sáng hôm sau, bà đến Trung tâm Mắt Phú Yên khám và biết được tác hại của việc hạt lúa hoặc mày lúa bay vào mắt lúc đứng trước máy tuốt lúa.

 

Ông Đ.T.A (Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) đến Trung tâm Mắt khi đã bị LGM. Ông bảo: “Lúc đang đứng trước máy tuốt lúa, tôi bị bụi bay vào mắt nên lấy tay dụi vào. Qua ngày sau, mắt cộm nhói, rất khó mở, nước mắt cứ chảy và sợ nhìn ánh sáng”.

 

Trường hợp anh H.H.N (Hòa Thành, Đông Hòa) thì nặng hơn. Sau khi tự  mua thuốc điều trị tại nhà, đến ngày thứ năm anh đi khám ở một phòng khám tư. Tại đây, anh mới biết mắt mình bị LGM rất nặng, tròng đen bị hoại tử, gây mù.

 

Giải thích về bệnh LGM, bác sĩ Hà Khải Chương, Trung tâm Mắt Phú Yên cho rằng: Hạt lúa hay mày lúa văng vào mắt chủ yếu là văng vào tròng đen (giác mạc) gây xước. Cùng lúc đó, kết mạc (tròng trắng) cũng bị viêm đỏ. Người bệnh thấy cộm mắt, khó chịu, tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu dùng các loại thuốc có chứa Corticoide, trong đó có thành phần dexa như neoclex, polyclexa, opsardex, spersadex, tobradex, sẽ làm tròng trắng mắt dễ chịu. Tuy nhiên, vết xước ở tròng đen lan rộng và đào sâu, gây ra hiện tượng LGM. Diễn biến lâm sàng của bệnh này rất nặng. Chứng LGM, nếu điều trị không đúng cách dễ gây nên mù vì vết loét trở thành sẹo sẽ che mất lỗ đồng tử. Nếu điều trị kịp thời, các triệu chứng rút dần, vết loét được phủ dày và thành sẹo, để lại một đám đục trắng như sữa gọi là “vẩy cá” hoặc đám đục lờ mờ gọi là “màng khói”. Sẹo giác mạc sẽ tồn tại mãi, không có thuốc nào làm tan được. Dự hậu của bệnh phụ thuộc vào việc bệnh nhân đến điều trị sớm hay trễ, phụ thuộc vào độ lớn, độ sâu của vết loét và nhất là nguyên nhân gây bệnh.

 

Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Minh Hưởng khuyến cáo: LGM là một bệnh nặng và sẽ để lại di chứng. Tỉ lệ điều trị khỏi LGM khá thấp. Do đó phòng bệnh là quan trọng nhất. Nếu đã bị LGM nên đến khám tại nơi có đủ điều kiện về chẩn đoán, xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, sẽ giúp việc điều trị tốt hơn. Mọi người không nên tự ý mua thuốc để điều trị. Khi tuốt lúa phải mang kính bảo hộ. Việc phòng bệnh rất đơn giản, nhưng nếu thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến hậu quả khó lường”.

 

THU THỦY

 

LƯU Ý TRONG ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA LGM

 

Khi bị dị vật vào mắt, không dùng tay dụi vì sẽ làm trầy mắt. Nên nháy mắt liên tục trong một ly nước sạch. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật hãy đến bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ lao động: Đeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, khi tiện, hàn điện v.v…

 

Khi bị mắt đỏ hoặc LGM không nên dùng các loại lá cây hoặc côn trùng đắp vào mắt. Bệnh nhân LGM không nên băng kín mắt, vì khi băng kín sẽ làm mắt nóng, ẩm và bẩn. Bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa khi bị mắt đỏ nếu không có điều kiện khám bệnh thì có thể dùng các loại thuốc nhỏ: Chloramphenicol, Gentamycine, Tobramycin, Neocin. Tuyệt đối không dùng loại thuốc có chất dexa để nhỏ khi không có sự đồng ý của bác sĩ nhãn khoa. Khi thấy có những biểu hiện, khó chịu ở mắt, chúng ta không nên tự ý điều trị mà phải đi khám chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

 

BS HÀ KHẢI CHƯƠNG

(Trung tâm Mắt Phú Yên)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek