Thứ Năm, 10/10/2024 19:19 CH
Những người đồng hành phòng chống lao
Thứ Hai, 07/07/2008 07:57 SA

Tạo sự gần gũi, tin tưởng cho bệnh nhân là kỹ năng cần có ở những người làm công tác phòng chống lao. Quan trọng hơn, họ còn phải kiên trì thuyết phục để giúp bệnh nhân không còn mặc cảm, giấu bệnh.

 

tiep-xuc-080707.jpg

Cán bộ y tế thăm hỏi, điều trị hàng ngày cho bệnh nhân lao. - Ảnh: T.THẢO

 

Theo đoàn giám sát bệnh nhân của Trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên về huyện Đồng Xuân, tôi phần nào hiểu được nỗi gian truân, vất vả của những người làm công tác phòng chống lao ở cơ sở.

 

Chị Trương Thị Thọ, cán bộ chuyên trách phòng chống lao xã Xuân Quang 3, tâm sự: “Những năm theo học ngành này, đi thực tập ở khoa Lao, tôi biết rõ chuyện gì có thể xảy ra nếu gắn bó lâu dài với công việc”. Quá trình điều trị cho bệnh nhân phải liên tục trong 8 tháng. Bệnh nhân phải được theo dõi hàng ngày trong giai đoạn bệnh tấn công và hàng tháng trong giai đoạn duy trì cho đến khi hết bệnh. Theo chị Thọ, giai đoạn 4-6 tuần đầu là nguy hiểm nhất đối với những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. “Nhưng nếu những người trong ngành như chúng tôi cũng sợ lây bệnh, ai sẽ là người chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân?” - chị Thọ nói như tự hỏi.

 

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi trùng gây ra. Khi mắc phải bệnh này, người bệnh rất hoang mang, sợ hãi và mặc cảm với mọi người. Do vậy, thay vì đến bệnh viện khám để được tư vấn và điều trị sớm, họ lại giấu bệnh, tạo nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Nhiệm vụ của người làm công tác phòng chống lao là giải thích để mọi người hiểu về căn bệnh này từ đó có ý thức, khi mắc bệnh phải sớm đi điều trị. Người làm công tác phòng chống lao cũng phải thật sự gần gũi, nhiệt tình, không ngần ngại khi tiếp xúc với  bệnh nhân.

 

Ông T.V.T (thôn Phú Lộc, xã Xuân Quang 3) bộc bạch: “Biết mình mắc bệnh lao, lúc đầu tôi rất lo lắng. Được cán bộ chuyên trách tư vấn và  không phân biệt đối xử, tôi không còn mặc cảm, chấp nhận điều trị mỗi ngày. Nhờ đó, sức khỏe tôi dần phục hồi. Giờ đây tôi muốn trở thành một cộng tác viên phòng chống lao để tuyên truyền cho bà con thấy rằng bệnh lao không có gì đáng sợ, đồng thời chia sẻ bớt gánh nặng với cán bộ y tế”.

 

Trong quá trình tư vấn, điều trị cho bệnh nhân lao, cán bộ y tế chuyên trách cũng gặp không ít trường hợp nan giải, như trường hợp của bệnh nhân P. X. T ở Xuân Sơn Nam. Hễ uống rượu “sần sần” là ho khạc lung tung, thậm chí không chịu điều trị. Chị Lưu Thị Lam, cán bộ chuyên trách phòng chống lao xã Xuân Sơn Nam, cho biết: Tôi phải vận dụng hết những kinh nghiệm của mình để khuyên nhủ bệnh nhân này. Sau nhiều lần thuyết phục, bệnh nhân đã tin chúng tôi và thực hiện tốt các quy định trong điều trị. Ở Xuân Sơn Nam bây giờ, có bệnh là người dân tự giác thông báo, đề nghị điều trị.

 

Làm việc trong môi trường luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nhưng vì yêu nghề, cảm thông với nỗi khổ của bệnh nhân nên nhiều cán bộ chuyên trách phòng chống lao vẫn gắn bó với nghề. Anh Võ Hiệp, Trưởng khoa Nhiễm và các bệnh nguy hiểm xã hội - Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Xuân, tâm sự: “Gắn bó với cái nghiệp này rồi thì phải theo tới cùng”.

 

Bác sĩ Hoàng Khắc Linh, Trưởng trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên, thổ lộ: Biết công việc này nguy hiểm, nhưng đã là cái nghiệp nên không thể bỏ được. Đằng sau sự vất vả, nguy cơ lây nhiễm đó, chúng tôi có một niềm vui, một sự bù đắp lớn lao. Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi chúng tôi giúp cho nhiều người khỏi bệnh. Họ sẽ là tuyên truyền viên đắc lực cho công tác này.

 

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek