Ngày 7/7, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động phòng chống sốt xuất huyết (SXH) Dengue 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 2.538 ca mắc SXH, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2019. Từ tuần thứ 22, số ca mắc bắt đầu tăng và tăng cao trong tuần thứ 25, 26, vượt qua năm 2019. Đến tháng 6/2020, số ổ dịch SXH tăng 6 ổ so với cùng kỳ, phân bố tại 65/110 xã, phường, thị trấn. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch SXH bùng phát trên diện rộng. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã có một ca tử vong do SXH.
Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống SXH tại những địa phương có số ca mắc tăng cao trong những tháng đầu năm (các huyện Phú Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu) nhằm khắc phục những tồn tại, thiếu sót tại các địa phương và đề ra biện pháp can thiệp kịp thời. Kết quả kiểm tra cho thấy, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và trạm y tế các xã, phường đã lập kế hoạch phòng chống SXH từ đầu năm; tại các đơn vị được kiểm tra có tổ chức giám sát, ghi nhận ca bệnh và lưu biên bản giám sát ca bệnh. Tuy nhiên ở một số địa phương, việc xử lý ổ dịch chưa triệt để, kịp thời. Kết quả điều tra chỉ số côn trùng tại các xã, phường đều ở ngưỡng nguy cơ cao. Tại một số địa phương như Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), phường 9 (TP Tuy Hòa)..., ổ dịch được xử lý đến lần thứ ba, thứ tư nhưng vẫn còn rải rác ca bệnh.
Sau khi nghe báo cáo tham luận của đại diện các trung tâm y tế: TP Tuy Hòa, huyện Tuy An, huyện Phú Hòa và các ý kiến thảo luận, đồng chí Phan Đình Phùng đề nghị ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp thể hiện vai trò, trách nhiệm, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể tổ chức những chiến dịch và đi từ ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người dân, tuyên truyền vận động bà con tổng vệ sinh, diệt bọ gậy. “Phải đặt trạng thái cao hơn những năm trước vì đã có trường hợp tử vong. Ngành Y tế phải có kịch bản ứng phó với dịch bệnh SXH. UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch phòng chống SXH, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh SXH; phối hợp với ngành Y tế giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, vướng mắc; tổ chức tập huấn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hóa chất xử lý các ổ dịch. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường phối hợp với ngành Y tế truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, tập trung truyền thông về mức độ nguy hiểm của SXH và cách phòng chống dịch bệnh SXH...”, đồng chí Phan Đình Phùng chỉ đạo.
YÊN LAN