Ngày 28/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố hướng dẫn chăm sóc y tế cho những bệnh nhân nhập viện và những người dưỡng bệnh ở nhà bị nghi nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi.
Theo hướng dẫn mới nhất của WHO, chăm sóc các bệnh nhân nghi nhiễm virus cần tập trung vào việc phát hiện sớm, nhanh chóng cách ly, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát (IPC) phù hợp, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc điều trị tích cực.
Đối với các bệnh nhân nhập viện, hướng dẫn nêu rõ đầu tiên cần xác định và phân loại bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (SARI). Sau khi đã thực hiện các biện pháp IPC và điều trị phù hợp, cần thu thập các mẫu bệnh phẩm để tiến hành chẩn đoán, kiểm soát hội chứng hô hấp cấp và ngăn ngừa biến chứng.
Đối với những bệnh nhân có biểu hiện nhẹ và được chăm sóc tại nhà, WHO khuyến cáo hạn chế số người chăm sóc bệnh nhân, giảm bớt không gian sinh hoạt chung, đeo mặt nạ y tế và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc.
Do còn nhiều thông tin chưa rõ về virus, WHO đang triển khai Nền tảng Dữ liệu y tế 2019-nCoV để cho phép các thành viên đóng góp dữ liệu nhằm thông báo về các biện pháp ứng phó. Mỗi tuần, WHO lại có các cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia y tế toàn cầu để kịp thời nắm rõ diễn biến và công tác điều trị.
Virus 2019-nCoV gây lo ngại toàn cầu vì nó giống với loại virus từng gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003 làm hàng trăm người ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong tử vong, cũng xuất phát từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Virus chủng mới được cho là đã lây nhiễm từ động vật sang con người tại khu chợ Vũ Hán, sau đó đã truyền từ người sang người. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết chính xác cách thức truyền bệnh.
Cùng ngày, Mỹ tuyên bố đang phát triển vắcxin chống lại virus corona mới, đồng thời hối thúc Trung Quốc tăng cường hợp tác với giới chức y tế quốc tế.
Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đối tác để phát triển một loại vắcxin. Quá trình này sẽ mất 3 tháng để bắt đầu thử nghiệm, thêm 3 tháng để thu thập dữ liệu trước khi bước sang giai đoạn hai. Doanh nghiệp công nghệ sinh học Moderna hiện đang chịu trách nhiệm triển khai.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách nghiên cứu khoa học Paul Stofells của Johnson & Johnson xác nhận công ty này cũng đang phát triển một loại vắcxin cho virus corona mới. Đây cũng chính là công nghệ mà công ty đã ứng dụng để phát triển vắcxin đối với virus Ebola, vốn đang được sử dụng tại CHDC Congo và Rwanda.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar khẳng định Mỹ đã ba lần hỗ trợ Trung Quốc giải quyết khủng hoảng nhưng đều không thành công. Do đó, Mỹ muốn được tiếp cận dữ liệu, bằng chứng để lên kế hoạch nghiên cứu, phân tích nhằm tìm ra đáp án cho các nghi vấn quan trọng như thời gian ủ bệnh và liệu virus có lây truyền khi người bệnh còn chưa có biểu hiện hay không.
Ông kêu gọi Trung Quốc hợp tác nhiều hơn, nhấn mạnh rằng minh bạch là các bước đi quan trọng nhất để có thể ứng phó dịch bệnh hiệu quả. Trước đó, mặc dù Trung Quốc đã nhanh chóng thành công trong việc phân tích chuỗi gene, song lại từ chối việc chia sẻ virus với các phòng thí nghiệm trên thế giới.
Tuy nhiên, theo WHO, Trung Quốc hiện đã cho phép tổ chức này cử chuyên gia quốc tế tới nước này "ngay khi có thể" để tìm hiểu thêm về chủng virus corona mới và hướng dẫn thế giới ứng phó với dịch bệnh.
Theo TTXVN/Vietnam+