Chiều 2-4, Bộ Y tế chính thức công nhạân dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã tái phát, với diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nguy cơ dịch lan rộng ra miền Trung và miền Nam là rất cao trong mùa hè tới.
Bệnh nhân tiêu chảy phải nằm cả ra hành lang Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, tính ngày 5-3 cho tới ngày 2-4, cả nước đã ghi nhận 85 trường hợp bệnh nhân dương tính với khuẩn tả, trong đó Hà Nội đứng đầu với 44 ca. Ông Nga cũng cho biết, mặc dù đến nay, Bộ Y tế chưa thống kê được toàn bộ số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nghi nhiễm khuẩn tả tại các địa phương nhưng ghi nhận số ca mắc không dưới 300 ca. Đáng chú ý, trong ngày 2- 4 đã thêm tỉnh Hà Nam và Vĩnh Phúc có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, nâng số địa phương có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm lên 10 tỉnh phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nhận định, hiện nay tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang có diễn biến phức tạp và đã quay trở lại miền Bắc. Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều do sử dụng thức ăn đường phố, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như: rau sống, tiết canh, hải sản, thịt chó và mắm tôm. Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, với tình hình hiện nay, nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có khả năng lây lan sang các tỉnh miền Trung và miền Nam trong mùa hè tới là rất cao do người lành mang vi khuẩn đi lại giữa các địa phương, tham gia các lễ hội có ăn uống đông người.
Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, để ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lan rộng, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung giám sát thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý các cơ sở không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đối với các ổ dịch đã xuất hiện phải xử lý triệt để, giám sát chặt chẽ bệnh nhân, điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho người tiếp xúc. Thứ trưởng Huấn cũng nhấn mạnh, nghiêm cấm sử dụng phân tươi bón cho rau vì đây là nguồn lây nhiễm dịch nhanh nhất và lớn nhất. Về phía Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra tới các tỉnh, thành phố có dịch hiện nay và các địa phương có nguy cơ bùng phát cao để chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch.
Về phía cơ sở điều trị, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia thông báo, trong ngày có thêm 30 trường hợp phải nhập viện, nâng tổng số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm đang phải điều trị tại đây lên 154 người, trong đó qua soi tươi và nuôi cấy vi khuẩn phát hiện 67 ca có khuẩn tả. Theo Viện trưởng Nguyễn Đức Hiền, hiện nay, viện đang tiếp tục chuyển các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tiêu chảy cấp tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chính xác vi khuẩn tả. Ông Hiền cũng cho biết, số bệnh nhân đang điều trị tại viện chủ yếu ở Hà Nội, ngoài ra còn một số tỉnh khác như Hà Tây, Thanh Hóa, Hà Nam, trong đó nhiều bệnh nhân trong tình trạng khá nặng bị trụy mạch và tụt huyết áp.
Nhiều ca viêm phổi nặng có biểu hiện lâm sàng giống cúm A H5N1 Chiều 2-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm A H5N1 ở người cho biết, trong tháng 3 vừa qua, cả nước chỉ ghi nhận thêm 1 bệnh nhân cúm A H5N1 ở Hà Nam, nâng tổng số ca mắc cúm A H5N1 từ đầu năm tới nay lên 5 trường hợp. Tuy nhiên, cả 5 trường hợp mắc này đều tử vong. Đáng chú ý, theo Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc, trong tháng qua đã phải tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng có biểu hiện lâm sàng giống với nhiễm cúm A H5N1. Tuy nhiên qua xét nghiệm bệnh phẩm lại chủ yếu là cúm A H3. Ngoài ra, qua giám sát bệnh nhân cúm trong cả nước, trong tuần qua đã ghi nhận 25 trường hợp viêm phổi nặng do mắc cúm chủng H3 và H1, thậm chí có ca mắc cúm B cũng bị viêm phổi. Theo kế hoạch trong tháng này, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đi kiểm tra công tác phòng chống cúm gia cầm và cúm A H5N1 ở người tại Hà Nội và TPHCM. |
Theo SGGP