Vắc xin là một công cụ hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng, được sử dụng rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Hàng năm có khoảng 115 triệu trẻ em sinh ra được tiêm chủng. Nhờ vậy, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế.
Tại Việt Nam, có hai hình thức sử dụng vắc xin là tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985. Đến nay, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella...
Trong những năm qua, tỉ lệ tiêm chủng cao đã góp phần giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ Việt Nam, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005; tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà… đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ước tính chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Bởi vậy, tiêm chủng vắc xin được đánh giá là một trong những can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ để hình thành một thế hệ phát triển đầy đủ về thể chất. |
Việt Nam đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi bằng việc triển khai thành công chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella cho 20 triệu trẻ và đưa vắc xin phòng sởi - rubella vào tiêm chủng thường xuyên. Trong năm 2015, số ca mắc sởi đã giảm 66,4 lần so với năm trước đó; bệnh rubella được khống chế một cách cơ bản. Trong 5 năm qua, tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh đã tăng từ 21% lên 69,8%.
Trong những năm gần đây, tỉ lệ sử dụng vắc xin dịch vụ ngày càng tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đông dân cư. Việc đa dạng hóa các loại hình tiêm chủng đã giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận với các vắc xin phòng bệnh, góp phần phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh chưa được dự phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thành công của công tác tiêm chủng đã và đang góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em Việt Nam. Thành quả đạt được là rất lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Tại hội thảo góp ý dự thảo kế hoạch truyền thông về tiêm chủng giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) do Bộ Y tế tổ chức, Cục Y tế dự phòng đã nêu ra những khó khăn, thách thức đối với công tác tiêm chủng: Ngân sách đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất vắc xin và tiêm chủng còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu.
Việc nghiên cứu vắc xin mới, vắc xin phối hợp còn hạn chế, chưa sản xuất được các vắc xin thế hệ mới. Vắc xin sản xuất trong nước chủ yếu là vắc xin đơn giá, các vắc xin phối hợp, vắc xin thế hệ mới phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài, trong khi nhu cầu sử dụng vắc xin phối hợp tăng đáng kể. Vẫn có một tỉ lệ xảy ra phản ứng sau tiêm chủng, nếu không được truyền thông tốt để cộng đồng hiểu rõ thì sẽ làm ảnh hưởng tới công tác tiêm chủng.
Trong thời gian qua, một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng chưa được kết luận, điều tra và thông tin đầy đủ, kịp thời tạo ra sự lo lắng cho người dân, bức xúc trong dư luận, tăng thêm áp lực cho công tác tiêm chủng, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tiêm chủng.
Để duy trì kết quả đạt được cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác tiêm chủng phòng chống các bệnh nguy hiểm có vắc xin bảo vệ, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội thảo ở 3 khu vực trong toàn quốc về xây dựng kế hoạch truyền thông về tiêm chủng giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cơ bản là nâng cao nhận thức, niềm tin, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng về phòng bệnh bằng vắc xin, an toàn tiêm chủng nhằm góp phần nâng cao tỉ lệ tiêm chủng mở rộng và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tiêm chủng cho mọi đối tượng.
QUỐC HỘI