Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) phải xuất phát từ việc hiểu NCT muốn gì, cần gì và đang gặp phải vấn đề gì? Có như vậy, chúng ta mới đưa ra những giải pháp phù hợp, giúp ông bà cha mẹ sống vui, sống khỏe cùng con cháu.
Những biến chứng mà NCT thường phải đối mặt là: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch, bệnh van tim, loạn nhịp tim, đột quỵ… NCT cũng thường bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau cột sống thắt lưng, gút, ung thư xương… Khi về già, bộ máy vận động trở nên rệu rã, dễ tổn thương và khó qua khỏi với các yếu tố gây hại của môi trường như chấn thương, bệnh tật, tai nạn.
Cần nhớ và thực hiện “ba cái nửa…”
Ở NCT, quá trình lão hóa diễn ra ngày càng nhanh dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng tế bào T - tế bào mất dần theo tuổi tác. Sự sản sinh tế bào T giảm sút có thể là do sự suy giảm chức năng của tuyến ức hoặc do tủy xương không tiếp tục sản sinh các tế bào gốc - tế bào sinh ra tế bào miễn dịch. Suy giảm hệ miễn dịch chính là nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng dễ nhiễm trùng ở NCT, thường gặp nhất là nhiễm trùng phổi.
Khi về già, hình dạng của lồng ngực biến đổi nhiều, khả năng hấp thụ oxy và máu động mạch của cơ thể giảm, dẫn đến tình trạng thiếu oxy ở các bộ phận. Đây chính là khởi nguồn khiến người già phải chịu đựng một loạt các bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể làm rối loạn hệ tiêu hóa và một loạt bệnh như: viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng. Nguyên nhân do hệ miễn dịch suy giảm khiến các hệ khác trong cơ thể dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Vì vậy khi chăm sóc sức khỏe NCT cần chú ý các bệnh thường gặp như viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính....
NCT cần tập thể dục đều đặn, đi bộ 5 ngày/tuần, mỗi ngày 30 phút, góp phần hạn chế quá trình lão hóa. NCT cũng cần duy trì các hoạt động xã hội trong khả năng của mình như tham gia Hội NCT, từ thiện… Đây là cách tốt nhất để duy trì đời sống tinh thần, giúp tâm trạng vui vẻ, tinh thần lạc quan, để cơ thể gia tăng miễn dịch và đề kháng. |
Tuổi càng cao, hệ thần kinh hoạt động càng kém, quá trình dẫn truyền xung động thần kinh cũng giảm, xảy ra hàng loạt chứng bệnh thần kinh ở NCT như: rối loạn giấc ngủ, chức năng các giác quan suy giảm, dễ cáu gắt, nhạy cảm với sự thay đổi của xung quanh và của thời tiết… Nặng hơn là rối loạn về trí nhớ và khả năng nhận thức, có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ, teo não, tử vong.
Vì không tuân thủ những điều hết sức đơn giản mà nhiều NCT chết rất đột ngột. Ban đêm, họ dậy đi tiểu quá nhanh khiến não thiếu máu làm chóng mặt nên ngã, tim ngừng hoạt động vì bị co bóp quá sức. Để điều này không xảy ra, họ chỉ cần nhớ và thực hiện “ba cái nửa phút”, nghĩa là khi muốn dậy phải nằm thêm nửa phút, khi đã ngồi dậy phải ngồi nửa phút, rồi khi đã bỏ chân xuống giường cũng phải chờ thêm nửa phút nữa mới từ từ đứng dậy đi vệ sinh.
Còn muốn luôn khỏe khoắn, tỉnh táo thì NCT đừng tiếc “ba cái nửa giờ”, nghĩa là sáng dậy đi bộ và tập dưỡng sinh nửa giờ; buổi trưa nằm ngủ nửa giờ (nếu không ngủ được thì cũng nằm yên, nhắm mắt cho thần kinh và các bắp thịt thư giãn); buổi tối lại dành nửa giờ đi bộ nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon.
Tăng cường dưỡng chất, tập thể dục
Khi cao tuổi, chức năng của các cơ quan đều giảm dần, cường độ trao đổi chất cũng suy giảm dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể. Do giảm dịch vị, mất răng nên người già thường ăn uống khó khăn, yếu mệt…, nên càng thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe nói chung và là tiền đề gây ra nhiều bệnh tật ở NCT. Do đó, cung cấp đúng, đầy đủ dưỡng chất giúp kéo dài tuổi thọ và độ dẻo dai của các bộ phận trong cơ thể là một trong những cách quan trọng hạn chế quá trình lão hóa diễn ra quá nhanh.
Những người từ 60 tuổi trở lên, người có thể trạng mệt mỏi, ốm yếu, hoặc đang phục hồi sau quá trình bệnh, nên bổ sung 2 ly sữa có thành phần phù hợp mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng và bổ sung dưỡng chất.
BSCKI NGUYỄN HỮU HƯƠNG
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên