5 bệnh nhân mạch vành, trong đó có 2 ca nhồi máu cơ tim, vừa được ê kíp của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da do Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh chuyển giao.
Trong số này có bệnh nhân V. N (40 tuổi, ở huyện Sơn Hòa) bị nhồi máu cơ tim đã được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết trước đó. Gia cảnh của bệnh nhân N rất khó khăn, trong khi chi phí điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành thì rất cao.
Biết được hoàn cảnh của bệnh nhân N, một nhóm từ thiện tặng một stent (giá đỡ động mạch vành - 30 triệu đồng); ê kíp can thiệp Phú Yên đã tái thông dòng máu nuôi cơ tim cho bệnh nhân.
Trong tổng số 6 ca vừa được can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có một ca phức tạp về kỹ thuật, được bác sĩ đến từ Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công. Bệnh nhân N.V.T (75 tuổi, ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) nhập viện với cơn đau thắt ngực không ổn định (tình trạng đau ngực dữ dội như bị bóp nghẹt hoặc đè nặng sau xương ức, do máu và oxy không đủ cung cấp cho tim - đặc điểm điển hình của bệnh mạch vành).
Kết quả chụp DSA cho thấy bệnh nhân bị tổn thương ở động mạch vành phải và động mạch mũ. Trong đó động mạch vành phải bị hẹp ở đoạn gần; đoạn giữa hẹp, vôi hóa khoảng 70-80%; đoạn xa hẹp 90%, vôi hóa.
Theo bác sĩ Lê Duy (Đơn nguyên Tim mạch can thiệp), khi động mạch vành bị vôi hóa, việc đưa dây dẫn đi qua rất khó khăn, nong bóng cũng không hề đơn giản. Muốn nong vị trí bị tổn thương cần bóng áp lực cao, mà nong bóng áp lực cao thì rất dễ vỡ động mạch vành. Việc đưa stent vào cũng rất khó khăn. Ê kíp đã can thiệp thành công, đặt 2 stent, tái thông động mạch vành phải cho bệnh nhân T.
Biết được hoàn cảnh rất khó khăn của gia đình ông T, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã đề nghị hãng cung cấp thiết bị, dụng cụ y tế tặng bệnh nhân một cái bóng, giảm bớt chi phí điều trị.
YÊN LAN