Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi thiếu máu lưu thông lên não do nghẽn, tắc mạch máu não hoặc do vỡ mạch máu não. Tổ chức Đột quỵ Thế giới ghi nhận bình quân mỗi năm có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu người tử vong do căn bệnh này trên toàn cầu.
Vậy đâu là những biểu hiện của đột quỵ và làm thế nào để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ? Báo Phú Yên đã phỏng vấn TS-BS Trần Thái Hà, Trưởng Khoa Lão, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
TS-BS Trần Thái Hà |
* Đột quỵ là nỗi ám ảnh đối với nhiều người; bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Đâu là những biểu hiện cảnh báo đột quỵ, thưa tiến sĩ?
- Có những trường hợp đột quỵ do nhồi máu não, có những trường hợp do xuất huyết não, người dân rất khó phân biệt được. Tai biến mạch máu não thường xuất hiện trên những bệnh nhân tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng vọt lên, người bệnh đau đầu, chóng mặt, giảm vận động, liệt nửa người, liệt mặt… đó là những dấu hiệu rất rõ nét của tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, không phải tai biến mạch máu não chỉ xuất hiện trên bệnh nhân tăng huyết áp, có những người huyết áp thấp cũng bị tai biến mạch máu não. Thế cho nên huyết áp chỉ là một trong những dấu hiệu gợi ý… Còn những trường hợp xuất huyết não nặng, trên diện rộng thì bệnh nhân đi vào hôn mê.
Về nguyên tắc, khi thấy có những dấu hiệu bất thường thì hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để thầy thuốc đánh giá và tiên lượng. Đối với những trường hợp có các dấu hiệu cảnh báo nặng thì hãy gọi xe cấp cứu, nếu có điều kiện.
* Khi thấy ai đó có biểu hiện vận động kém, liệt mặt…, một số người dân áp dụng kinh nghiệm dân gian như trích máu. Việc này có giúp ích gì cho bệnh nhân?
- Trích huyết là một trong những phương pháp điều trị của y học cổ truyền trước đây. Tuy nhiên, khi một người bị liệt mặt, miệng méo… thì có thể họ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh hoặc do các nguyên nhân khác. Đây không phải là bệnh cảnh của tai biến mạch máu não, hướng điều trị tất nhiên cũng khác. Còn nếu liệt mặt, méo miệng… do tai biến mạch máu não thì hướng xử trí phải là điều trị cấp cứu.
Thầy thuốc khám và điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ - Ảnh: YÊN LAN |
Cho nên điều quan trọng nhất là phải có thầy thuốc khám để chẩn đoán đúng, vì cách xử trí bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khác, cách xử trí bệnh nhân đột quỵ lại khác. Do đó, chúng tôi vẫn khuyến cáo là người dân không nên tự ý làm các can thiệp vào cơ thể bệnh nhân khi chưa biết rõ bệnh. Ví dụ, nếu có những tác động mạnh vào bệnh nhân tăng huyết áp làm cho bệnh nhân đau, huyết áp tăng vọt lên thì nguy cơ càng lớn hơn. Cho nên phải có thầy thuốc khám trực tiếp, sau đó có hướng xử trí, điều trị cụ thể thì sẽ an toàn nhất cho người bệnh; người dân không nên tự ý làm việc này việc kia.
* Nguyên tắc vàng trong điều trị đột quỵ là gì?
- Nguyên tắc vàng là phát hiện càng sớm càng tốt, ổn định bệnh nhân và đưa ngay đến bệnh viện để bác sĩ điều trị nội khoa tích cực.
* Còn phòng ngừa đột quỵ thì sao, thưa tiến sĩ?
- Phòng ngừa đột quỵ thì có rất nhiều vấn đề liên quan, bắt đầu từ thói quen sinh hoạt cá nhân đến chế độ ăn uống hàng ngày, kiểm soát các bệnh lý liên quan: rốt loạn lipid máu, tiểu đường, tăng huyết áp… Những bệnh nhân có nguy cơ cao tai biến mạch máu não thì phải phòng ngừa nhiều hơn và điều trị kiểm soát các bệnh lý. Bên cạnh đó, cần phải tránh căng thẳng, không sử dụng các chất kích thích, tránh sự thay đổi đột ngột về môi trường, nhiệt độ…, nếu không thì có thể dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)