Thứ Năm, 10/10/2024 18:19 CH
Sự nguy hiểm của hội chứng mạch vành cấp
Thứ Hai, 04/12/2017 14:00 CH

Bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó bệnh mạch vành chiếm tỉ lệ cao nhất. Làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đặc biệt là hội chứng mạch vành cấp - nhóm bệnh liên quan đến tình trạng thiếu máu cơ tim cấp? Báo Phú Yên đã phỏng vấn TS-BS Nguyễn Cửu Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Cấp cứu - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế về mối quan tâm trên.

 

TS-BS Nguyễn Cửu Lợi

* Thưa tiến sĩ, hội chứng mạch vành cấp nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe?

 

- Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu thì toàn thế giới đã công nhận rồi. Trong số các bệnh tim mạch, bệnh mạch vành chiếm tỉ lệ cao nhất. Biểu hiện cấp cứu của bệnh mạch vành là hội chứng mạch vành cấp, tức là khi mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành bị bong ra, tạo thành cục máu đông và làm tắc mạch vành trong một thời gian rất ngắn. Nguy hiểm ở chỗ nếu bệnh nhân đến bệnh viện muộn và được chẩn đoán muộn thì số lượng cơ tim bị hoại tử sẽ rất cao. Ngay cả sau khi được điều trị tốt thì sẹo vẫn còn, làm cho chức năng của tim không còn như trước.

 

Vì vậy, điều quan trọng là bệnh nhân cần phải ý thức được sự nguy hiểm của hội chứng mạch vành cấp và sớm nhập viện; bác sĩ cũng phải cảnh giác với bệnh đó để phát hiện sớm.

 

* Tiến sĩ có thể cho biết đâu là những biểu hiện của hội chứng mạch vành cấp?

 

- Trước đây, hội chứng mạch vành cấp thường gặp ở người lớn tuổi. Thời gian gần đây, tuổi của bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ khoảng 30-40 tuổi thôi.

 

Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng mạch vành cấp là tình trạng đau ngực; đau ngay ở giữa xương ức và kéo dài khoảng 15-20 phút. Trong cơn đau, bệnh nhân hốt hoảng, sợ hãi, vã mồ hồi; một số trường hợp có nôn, ngất. Khi bệnh nhân có những biểu hiện đó thì phải đưa đến bệnh viện ngay.

 

* Những biểu hiện của hội chứng mạch vành cấp ở người cao tuổi có khác gì so với biểu hiện ở người trẻ?

 

- Ở người lớn tuổi, biểu hiện không rõ ràng lắm, do một số người đã bị đái tháo đường, mà bị đái tháo đường thì ảnh hưởng đến thần kinh giao cảm nên cảm nhận cơn đau ngực không rõ ràng. Ở phụ nữ lớn tuổi, cơn đau ngực cũng không rõ ràng mà biểu hiện chủ yếu là tình trạng mệt và có cảm giác tức tức, râm ran ở ngực khi họ làm việc gì đó trong nhà, chứ cũng không phải là việc nặng. Nếu bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử đái tháo đường hoặc trước đó làm xét nghiệm có mỡ trong máu cao thì nên cảnh giác để đưa đến bệnh viện sớm.

 

* Việc chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp được tiến hành như thế nào?

 

- Hiện nay đã có những quy trình, khuyến cáo chẩn đoán của quốc tế, chúng ta có thể theo hướng dẫn của họ. Các kỹ thuật chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp, ví dụ như tìm các chất chỉ điểm sinh học, siêu âm tim, ngay cả chụp mạch vành thì gần như các bệnh viện tuyến dưới đã làm được. Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cũng đã có phòng can thiệp, có thể chụp mạch vành và cấp cứu.

 

Bệnh nhân được chụp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

 

* Thưa tiến sĩ, trong các phương pháp điều trị tái tưới máu mạch vành hiện nay, phương pháp nào mang lại hiệu quả cao và ít xảy ra biến chứng?

 

- Giữa hiệu quả và biến chứng không có mối liên hệ rõ ràng. Về hiệu quả, việc nong và đặt stent động mạch vành là có hiệu quả cao nhất, vì làm cho chỗ hẹp, tắc trong lòng động mạch vành trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số biến chứng có thể xảy ra trong lúc can thiệp, điều đó tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ can thiệp và tùy thuộc vào cơ địa của người bệnh. Nếu bác sĩ can thiệp có nhiều kinh nghiệm thì tỉ lệ này rất thấp, không đáng kể.

 

Cách điều trị thứ hai là sử dụng thuốc làm tan cục máu đông. Tuy nhiên, khi cục máu đông đã tan thì mảng xơ vữa vẫn còn nằm trong lòng động mạch vành, thuốc không làm tan được. Thuốc chỉ làm tan cục máu đông để cho dòng máu chảy qua chỗ hẹp đó.

 

Cũng cần lưu ý, khi bệnh nhân nhập viện, nếu bác sĩ không thể thực hiện ngay việc chụp, can thiệp mạch vành trong vòng hai giờ đồng hồ thì tốt nhất là cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết, làm tan cục máu đông đó, để dòng máu chảy qua đoạn mạch vành bị hẹp, nuôi cơ tim rồi sẽ nong sau, chứ không phải chờ hết giờ này qua giờ khác thì cơ tim sẽ chết, không phục hồi được. Sau đó có nong và đặt stent thì kết quả cũng không như chúng ta mong đợi.

 

* Thưa tiến sĩ, có cách nào ngăn ngừa hội chứng mạch vành cấp, đặc biệt là ở những người đã mắc các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa?

 

- Chúng ta phải ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mạch vành là chính, đừng để mỡ bám vào thành mạch vành. Phải thường xuyên kiểm tra đường máu, mỡ máu; nếu có những yếu tố nguy cơ khác như cao huyết áp thì phải chữa cho tích cực; nếu hút thuốc lá thì bỏ thuốc; ăn uống cũng phải kiêng cữ những chất có nhiều cholesterol để không mắc bệnh mạch vành. Còn khi đã mắc bệnh mạch vành rồi, để phòng ngừa hội chứng mạch vành cấp thì phải điều trị bệnh mạch vành một cách tích cực, phải uống thuốc giảm cholesterol, giảm đến mức rất thấp. Mức cholesterol của người bệnh mạch vành chỉ cho phép bằng một phần hai mức của người bình thường, và phải uống thuốc chống đông máu. Nếu như mảng xơ vữa có vỡ ra thì máu không đông lại, không tạo thành huyết khối được. Thuốc chống đông rất quan trọng!

 

Sau khi được nong và đặt stent, mạch vành đã thông rồi thì vẫn phải uống thuốc để giữ thành quả đó, phải tiếp tục uống thuốc giảm cholesterol, uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu..., nhất nhất tuân thủ khuyến cáo. Nếu bệnh nhân bỏ thuốc thì mạch vành sẽ bị tắc lại, vì stent là một dị vật được đưa vào cơ thể, trong lòng mạch máu, tiểu cầu sẽ kết tập, kết gắn trên stent và sẽ gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này còn nguy hiểm hơn nhồi máu cơ tim khi chưa đặt stent. Cho nên có nhiều vấn đề cần lưu ý khi điều trị bệnh mạch vành.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek