Theo các chuyên gia, thách thức hàng đầu trong lĩnh vực y tế hiện nay là bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn trong môi trường y tế có nhiều áp lực, dây chuyền khám chữa bệnh vừa nhiều đầu mối vừa ngắt quãng.
Một ca phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: YÊN LAN |
Khi có những sự cố y tế xảy ra, dù không ai mong muốn, gây tâm lý bất an cho bệnh nhân lẫn thầy thuốc, những người hành nghề khám chữa bệnh càng trăn trở với nguyên tắc hàng đầu của thực hành y khoa “Điều đầu tiên không gây tổn hại cho người bệnh - First do no harm to patient”. Vậy làm thế nào ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các sự cố trong thực hành y khoa, để người bệnh được an toàn?
Vấn đề an toàn người bệnh liên quan đến tất cả cán bộ y tế, người quản lý các cơ sở khám chữa bệnh và mọi bệnh nhân. Bằng chứng nghiên cứu đa quốc gia cho thấy người bệnh đang phải chịu nhiều thiệt hại do sai sót chuyên môn và sự cố y khoa. Mặc dù không ai muốn và không ai chấp nhận song những sai sót, sự cố này vẫn xảy ra. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, đã đi đầu trong việc xây dựng các mô hình quản lý an toàn người bệnh và chuyên ngành An toàn người bệnh đã ra đời nhằm hỗ trợ những người hành nghề khám chữa bệnh, người quản lý các cơ sở y tế cũng như người sử dụng các dịch vụ y tế. Các mô hình này đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế sai sót, sự cố y khoa tới mức thấp nhất có thể.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ngành Y tế đã có nhiều thành tựu trong việc áp dụng thành công các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại, góp phần nâng cao sức khỏe người dân, tăng tuổi thọ và giúp cho nhiều người mắc bệnh nan y có thêm cơ hội sống. Tuy nhiên thách thức hàng đầu trong lĩnh vực y tế hiện nay ở Việt Nam là bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn trong môi trường y tế có nhiều áp lực, dây chuyền khám chữa bệnh vừa nhiều đầu mối vừa ngắt quãng. Năm 2014, Bộ Y tế ban hành tài liệu đào tạo an toàn người bệnh dựa trên các khuyến cáo, hướng dẫn cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới và triển khai thực hiện Điều 7 của Thông tư 19/2013/TT-BYT về triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế. Tài liệu này cung cấp kiến thức về tần suất các sai sót chuyên môn, sự cố y khoa, các nguyên nhân và giải pháp để hạn chế các sai sót chuyên môn, sự cố y khoa tới mức thấp nhất có thể trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, lớp đào tạo liên tục về “An toàn người bệnh” năm 2017 vừa kết thúc; 30 học viên là điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên các khoa lâm sàng và cận lâm sàng đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được trao chứng nhận tham gia lớp đào tạo này. Theo BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc bệnh viện, chương trình đào tạo liên tục gồm 6 nội dung: Tổng quan về an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa trong việc xác định người bệnh và cải thiện thông tin trong nhóm chăm sóc, phòng ngừa những sai sót trong sử dụng thuốc, phòng ngừa sự cố y khoa trong phẫu thuật, phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng ngừa sự cố y khoa trong chăm sóc và sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế. Chương trình nhằm cung cấp kiến thức về tần suất các sai sót chuyên môn, sự cố y khoa, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa, đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn hơn cho người bệnh tại bệnh viện.
Kết quả đào tạo được đánh giá bằng bộ câu hỏi đầu vào - đầu ra. Đầu vào chỉ có một học viên đạt mức khá giỏi, 14 học viên ở mức trung bình, 15 học viên ở mức yếu. Sau 3 ngày được đào tạo theo phương pháp giảng dạy tích cực: thuyết trình, đọc và phân tích tài liệu, thực hành và thực hành nhóm…, hiểu biết về an toàn người bệnh của các học viên được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua kết quả kiểm tra đầu ra: 5 học viên đạt mức xuất sắc (từ điểm 9 trở lên), 19 học viên đạt mức khá giỏi, 6 học viên ở mức trung bình; không còn học viên yếu. Nhiều học viên chia sẻ rằng nội dung đào tạo liên tục rất cần thiết cho công việc của họ ở cơ sở y tế. Điều dưỡng Đỗ Thị Thảo (Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên) chia sẻ: “Trước kia, tôi chỉ biết chung chung về an toàn người bệnh. Sau 3 ngày học, tôi nắm chắc được nhiều nội dung, hiểu rõ vấn đề hơn. Tôi rất quan tâm đến nội dung phòng ngừa những sai sót trong sử dụng thuốc, phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vì đây là những nội dung “sát sườn” ở bệnh viện chúng tôi”. Đến từ huyện Sông Hinh, nữ hộ sinh Lương Thị Mỹ Chi nói: “Chương trình này giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung phòng ngừa những sai sót trong sử dụng thuốc. Muốn phòng ngừa tốt thì phải đọc kỹ chỉ định của bác sĩ, đọc kỹ tên thuốc và nắm thông tin người bệnh thật chính xác: tên tuổi, địa chỉ, tránh nhầm lẫn bệnh nhân này với bệnh nhân kia”. Còn chị Phạm Nhật Y (Trung tâm Y tế TX Sông Cầu) nhận xét: “Các nội dung của chương trình đào tạo này đều rất cần thiết; giảng viên giảng dạy nhiệt tình; chúng tôi vừa học vừa thực hành. Tham gia chương tình đào tạo liên tục, tôi càng hiểu rằng an toàn người bệnh là vấn đề quan trọng ở bất kỳ cơ sở y tế nào”.
YÊN LAN