“Ở huyện miền núi, đời sống của người dân còn khó khăn. Nếu chữa bệnh và thu tiền theo quy định thì sẽ khó cho bà con nên tôi bàn với anh em: Mình được Nhà nước trả lương thì khám chữa bệnh miễn phí để giúp bà con khỏe, đồng thời nâng cao tay nghề”, lương y Nguyễn Văn Cử, Chủ tịch Hội Đông y huyện Sơn Hòa, nói rất giản dị.
Chữa bệnh miễn phí
Với những nỗ lực không ngừng, Hội Đông y huyện Sơn Hòa đã được UBND tỉnh và Trung ương Hội tặng bằng khen. Năm 2011, Huyện hội được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2013 Huyện hội được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. |
Bị đau thần kinh tọa, từ xã Sơn Phước, ông Nguyễn Quốc Trị đi xe máy hơn 10km đến Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Hội Đông y huyện Sơn Hòa tại thị trấn Củng Sơn để được điều trị bằng phương pháp điện châm. Ông Trị nói: “Là dân Sơn Hòa, tôi biết phòng chẩn trị này đã lâu. Các lương y ở đây rất nhiệt tình, lại châm cứu miễn phí, mình chỉ bỏ tiền mua kim. Sau hai tuần điện châm, tôi thấy đỡ đau được một nửa”.
Mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân đến với Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Hội Đông y huyện Sơn Hòa, thường gặp nhất là những người bị đau đầu, đau vai gáy, đau thần kinh tọa, khớp… Tại đây, các lương y, đông y sĩ điều trị miễn phí cho họ bằng những phương pháp không dùng thuốc, phổ biến nhất là châm cứu. Theo đông y sĩ Nguyễn Văn Định, Phó Chủ tịch Hội, phụ trách phòng chẩn trị, đối với những chứng bệnh mới phát, bệnh nhân đáp ứng nhanh thì châm cứu khoảng một tuần là khỏi. Tuy nhiên, tìm đến với y học cổ truyền thường là những người mắc bệnh mãn tính nên phải điều trị lâu. Bên cạnh phương pháp châm cứu, trong nhiều trường hợp, những người thầy thuốc ở đây còn kết hợp chiếu đèn hồng ngoại, giác hơi, sử dụng máy điện xung… để điều trị cho bệnh nhân. Chữa bệnh bằng các phương pháp này cũng hoàn toàn miễn phí. “Có những trường hợp, như đau thần kinh tọa, phải kết hợp châm cứu với dùng thuốc mới nhanh bình phục. Chúng tôi mua thuốc từ tiệm thuốc ở TP Tuy Hòa, để lại cho bà con đúng với giá mua. Nếu bệnh nhân không có tiền thì chúng tôi cấp thuốc miễn phí. Mình được Nhà nước trả lương nên chủ yếu là giúp cho người dân”, ông Định nói vậy và cảm thấy vui khi bệnh nhân đặt niềm tin vào phòng chẩn trị. Còn ông Cử vẫn thường băng rừng lội suối tìm kiếm cây thuốc nam bản địa về bào chế để thay thế thuốc bắc chữa bệnh cho người dân.
Tâm huyết với nghề
Hoạt động từ năm 1992 đến nay, Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Hội Đông y huyện Sơn Hòa là địa chỉ tin cậy của người dân địa phương. Duy trì được địa chỉ khám chữa bệnh thiện nguyện này là nỗ lực của các lương y, đông y sĩ, kỹ thuật viên và sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền huyện. Được biết, mỗi năm, UBND huyện Sơn Hòa hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng để Hội mua trang thiết bị cho phòng chẩn trị. Chính từ sự nỗ lực và quan tâm đó, Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Hội Đông y huyện Sơn Hòa có điều kiện phục vụ bệnh nhân tốt hơn, điều trị có hiệu quả cao các bệnh: tai biến mạch máu não, liệt mặt, đau lưng, đau thần kinh tọa, thai tiền sản hậu, bệnh trĩ và một số bệnh mãn tính ở người già. Việc ứng dụng laser quang châm, quang trị liệu… cũng đã mang lại kết quả trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng, đau khớp gối, đau vai gáy, liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bệnh bạch đới… Trong năm 2016, toàn Hội đã khám chữa bệnh cho gần 4.600 lượt bệnh nhân, trong đó hơn 4.000 lượt người được khám chữa bệnh miễn phí; có 650 thang thuốc được cấp cho bệnh nhân nghèo. Riêng Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Huyện hội đã khám chữa bệnh miễn phí cho khoảng 1.300 lượt người, cấp cho bệnh nhân nghèo 60 thang thuốc.
ThS - lương y Trần Văn Định, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, nhận xét: Có sự chung sức của những người thầy thuốc tâm huyết với nghề, thương bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo, Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Hội Đông y huyện Sơn Hòa là một trong những đơn vị đi đầu trong các hoạt động nhân đạo từ thiện.
Không chỉ nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đẩy mạnh hoạt động thiện nguyện ở Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Huyện hội, Hội Đông y huyện Sơn Hòa còn cùng ngành Y tế “gắn kết” các trạm y tế xã với phòng chẩn trị cấp cơ sở, nhằm phát huy tốt lực lượng thầy thuốc, phương tiện khám chữa bệnh của Hội và của ngành Y tế; đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng Đông y - Tây y kết hợp. “Chúng tôi làm việc bằng cái tâm của người thầy thuốc đối với nghề nhiệp. Nếu toàn thể hội viên không tâm huyết thì không thể làm được”, lương y Nguyễn Văn Cử nói.
YÊN LAN