Thứ Bảy, 12/10/2024 18:11 CH
Phát huy vốn quý của người xưa
Thứ Hai, 24/04/2017 11:00 SA

Bác sĩ chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng phương pháp không dùng thuốc - Ảnh: YÊN LAN

Y học cổ truyền là vốn quý người xưa để lại. Chỉ riêng 300 vị thuốc nam mà Đại Y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cất công sưu tầm, phát hiện và hơn 2.800 phương thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh được danh y này tổng hợp đã là một kho báu đối với sức khỏe của người dân. Để phát huy vốn quý này, bên cạnh việc tuyên truyền thì điều quan trọng là chứng minh bằng hiệu quả điều trị.

 

Điểm sáng ở một trạm y tế

 

Chưa đến 7 giờ sáng, khoảng chục bệnh nhân đã có mặt tại Trạm Y tế phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) để được chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền. Người thì đau chân, người nhức hai đầu gối, người đau thần kinh tọa… - những bệnh “đặc trưng” của tuổi già. Và họ biết đông y có phương cách tốt để trị những cơn đau mãn tính.

 

Ngồi chờ y sĩ châm cứu, bà Nguyễn Thị Màng nói rằng chứng đau thần kinh tọa của mình đã giảm bớt sau 4 ngày đến trạm. Trên giường châm cứu, ông Nguyễn Tu, 87 tuổi, góp lời: “Tui cũng thấy đỡ đau nhức hai đầu gối”. Ở giường bên, ông Nguyễn Thự, 80 tuổi, cho biết: “Tui bị đau lưng, tới đây châm cứu thấy đỡ nên đi tiếp”.

 

Nhanh nhẹn và chuẩn xác, y sĩ y học cổ truyền Đỗ Thị Kim Thoa, Phó Trưởng Trạm Y tế phường Phú Đông, châm cứu cho các bệnh nhân. Chị Thoa cho biết, tìm đến với các phương pháp y học cổ truyền phần lớn là những người cao tuổi, bị đau nhức khớp, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, đau vai gáy… Họ đã dùng tân dược trước khi chuyển sang điều trị theo đông y nên thấy được hiệu quả của các phương pháp y học cổ truyền đối với những căn bệnh “đặc trưng” tuổi già, phổ biến nhất là phương pháp châm cứu. Liệu trình châm cứu cho một bệnh nhân thường kéo dài trong 2 tuần, mỗi lần châm 30 phút. Ngoài ra, Trạm Y tế phường Phú Đông còn sử dụng phương pháp chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp bấm huyệt… Sau khi điều trị cho bệnh nhân, cán bộ y tế hướng dẫn họ tự tập luyện tại nhà.

 

Với 6 y bác sĩ, trong năm vừa qua, Trạm Y tế phường Phú Đông đã khám chữa bệnh cho gần 7.700 lượt bệnh nhân, đạt gần 162% chỉ tiêu, trong đó có gần 2.200 lượt bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp đông tây y kết hợp, 90 lượt người được khám chữa bệnh theo phương pháp đông y. Bác sĩ CKI Đoàn Hùng Ánh, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Phú Yên), nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, nhận xét: Lợi thế của Trạm Y tế phường Phú Đông là vừa có bác sĩ, vừa có y sĩ đông y. Đi đôi với việc khám chữa bệnh bằng các phương pháp đông tây y hết hợp, trạm này đã làm bệnh án, tiến hành châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại cho người bệnh; bệnh nhân được điều trị theo các phương pháp y học cổ truyền chiếm tỉ lệ cao. Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa cũng đã đầu tư cho trạm một số trang thiết bị y học cổ truyền…”.

 

Phát huy vốn quý của người xưa: Cách nào?

 

Theo thống kê của Hội Đông y Phú Yên, trong năm 2016, hơn 210.000 bệnh nhân được khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở, phòng chẩn trị trong toàn hội, đạt 116,8% so với chỉ tiêu. Trong số này có hơn 45.200 bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc. Theo ông Nguyễn Trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thừa kế y học cổ truyền (Hội Đông y tỉnh), bệnh nhân đến với đông y đa phần là những người lớn tuổi, đã biết được hiệu quả của y học cổ truyền đối với nhiều căn bệnh mãn tính và biết được ưu điểm của thuốc nam. Nhiều người có ý thức trong việc tìm hiểu, sưu tầm và trồng thuốc nam để chữa một số bệnh thông thường. Còn chị Đỗ Thị Kim Thoa cho biết: “Những người ưa chuộng thuốc nam ở phường Phú Đông cũng thường đến trạm xin cây, lá thuốc trong vườn thuốc và được hướng dẫn cách trồng, sử dụng thuốc nam”.

 

Y học cổ truyền là vốn quý người xưa để lại. Chỉ riêng 300 vị thuốc nam mà Đại Y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cất công sưu tầm, phát hiện và hơn 2.800 phương thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh được danh y này tổng hợp đã là một kho báu đối với sức khỏe của người dân. Tại huyện miền núi Sơn Hòa, nơi có nhiều cây thuốc nam, các thầy thuốc đã phát huy thế mạnh này để chữa bệnh có hiệu quả nên không chỉ thu hút bệnh nhân tại địa phương mà nhiều người ở nơi khác cũng tìm đến. Theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Sơn Hòa, tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị, hiệu quả của y học cổ truyền nói chung, thuốc nam nói riêng là việc làm lâu dài, cần có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể. Nhưng chỉ tuyên truyền “suông” thì chưa đủ, quan trọng là điều trị có hiệu quả. Đó là minh chứng rõ ràng nhất để bệnh nhân tin tưởng vào y học cổ truyền.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek