Thứ Tư, 16/10/2024 02:20 SA
Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế ở TP Tuy Hòa:
Cần đầu tư để đáp ứng nhu cầu
Thứ Hai, 02/11/2015 13:00 CH

Trạm Y tế xã Bình Ngọc vào mỗi buổi sáng có trên 10 người đến điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền (YHCT) như: châm cứu, soi đèn, xoa bóp… Tuy nhiên, đây cũng là một trong số ít trạm y tế ở TP Tuy Hòa thu hút đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng đông y.

 

Châm cứu bằng điện châm cho bệnh nhân đau khớp tại Trạm Y tế xã Bình Ngọc - Ảnh: V.HOÀNG

 

NGƯỜI THÍCH DÙNG, NGƯỜI HẠN CHẾ

 

Bà Huỳnh Thị Chiều (66 tuổi, thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc) đến trạm y tế xã châm cứu vì bị đau khớp chân. Bà Chiều nói: “Ở đây tiện lắm, vừa đi lại gần, vừa được lương y chăm sóc chu đáo, nên tôi thường xuyên đến. Bên cạnh đó, khi bị cảm hay đau bụng, tôi còn được lương y hướng dẫn và cung cấp thuốc nam hái tại trạm”. Ở cùng thôn với bà Chiều, các ông Nguyễn Bảo Tùng (65 tuổi) bị tê nhức sau tai biến mạch máu não; ông Phạm Lập (64 tuổi) bị tê hai bàn chân… cũng thường xuyên đến Trạm Y tế xã Bình Ngọc để được chăm sóc. Ông Tùng khoe: “Từ việc nằm một chỗ, qua châm cứu lâu ngày tại trạm, đến nay, tôi đã tự đi xe máy và làm được nhiều việc cho gia đình”.

 

Tại các trạm y tế, phần lớn bệnh nhân đến điều trị theo phương pháp YHCT khi mắc bệnh viêm đa khớp, thoái hóa cột sống thắt lưng, mất ngủ... Chị Nguyễn Thị Hồng (phường 9, TP Tuy Hòa) nói: “Tôi đau nhức hai tay nên thường đến trạm để châm cứu, chiếu đèn, xoa bóp và uống thuốc bắc, thuốc nam. Tôi thấy có hiệu quả”. Còn bà Lê Thị Hải cũng ở phường 9 thì cho rằng: “Khi sử dụng thuốc tây điều trị bệnh mất ngủ kinh niên, tôi rất khó ngủ. Nhưng khi chuyển sang sử dụng thuốc đông y, tôi thấy hiệu quả hơn. Tôi rất tin tưởng vào khám chữa bệnh bằng YHCT, bởi ít tác dụng phụ lại cho hiệu quả cao, ít tốn kém, phù hợp với bệnh tình của mình”.

 

Ngoài nhu cầu điều trị ở trạm y tế, người dân thường truyền miệng nhau về những cây thuốc, bài thuốc trong dân gian có tác dụng điều trị các bệnh thông thường. Thực tế, YHCT rất gần gũi với cuộc sống của người dân. Các kiến thức dân gian về YHCT đã được phổ biến trong cộng đồng với nhiều hình thức và dần trở thành kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố làm giảm việc sử dụng dịch vụ YHCT của người dân. Do đặc thù thuốc đông y có tác dụng chậm nên nhiều người dân thích dùng thuốc tây để có kết quả nhanh. Ngoài ra, một số thuốc đông y muốn sử dụng cần phải sắc, đun tốn nhiều thời gian. Một số người còn cho biết, đặc thù bệnh của họ (tiểu đường, cao huyết áp) phải dùng thuốc tây hàng ngày nên họ cũng không dùng thuốc đông y. Ông Lê Văn Nam (phường 6, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi bị cao huyết áp hơn 10 năm nay. Ngày nào tôi cũng dùng thuốc tây nên không thể uống thuốc đông y. Khi bị bệnh, tôi thường đến trạm y tế nhận thuốc tây uống cho nhanh”.

 

CẦN PHÁT TRIỂN MẠNH

 

Theo quy định của Bộ Y tế, một trong những tiêu chuẩn để xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế là trạm y tế phải có phòng chẩn trị YHCT do cán bộ chuyên trách YHCT phụ trách và tỉ lệ bệnh nhân sử dụng trạm phải đạt 20%. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, từ năm 2010 đến nay, tỉ lệ sử dụng YHCT tại các trạm y tế của TP Tuy Hòa còn hạn chế (18%). Lý do chính khiến người dân không mặn mà sử dụng YHCT tại trạm y tế là do cán bộ y tế không chỉ định dùng. Mặt khác, trạm y tế chỉ có bác sĩ đa khoa và y sĩ đa khoa nên lĩnh vực YHCT họ không chuyên.

 

Trạm y tế xã đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại cộng đồng. Để công tác khám chữa bệnh bằng YHCT tại các trạm y tế thực sự phát triển thì nguồn nhân lực làm công tác YHCT tại đây không những cần phát triển về mặt số lượng mà cần nâng cao về trình độ chuyên môn. Việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn YHCT giỏi ảnh hưởng không nhỏ tới việc cung cấp các dịch vụ về YHCT tại trạm y tế, đặc biệt là dịch vụ thuốc thang YHCT. Mặc dù hiện nay, hai phương pháp châm cứu và xoa bóp đang được triển khai chủ yếu ở các trạm y tế thành phố, song các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động này, đặc biệt là châm cứu còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Một số máy điện châm, tranh hướng dẫn châm cứu được cấp từ khi trạm y tế mới đạt chuẩn, hiện đã cũ, chất lượng xuống cấp. Lương y Nguyễn Ngọc Báu (Trạm Y tế xã Bình Ngọc) cho rằng, có những trang thiết bị họ phải đem từ nhà đến để phục vụ cho bệnh nhân.

 

Theo bác sĩ Đoàn Hùng Ánh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, hiện việc điều trị đông tây y kết hợp rất hiệu quả ở một số trạm y tế như: Bình Ngọc, Bình Kiến, phường 9. Chúng tôi muốn kỹ thuật cấy chỉ được triển khai ở cơ sở, đồng thời muốn trang bị tại trạm y tế giường kéo giãn cột sống.

 

Phát triển YHCT ở tuyến y tế cơ sở và cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân. Để cải thiện và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng YHCT tại các trạm y tế, sắp tới, ngoài tiếp tục đầu tư các dụng cụ, thiết bị, ngành Y tế TP Tuy Hòa còn chú trọng tập huấn chuyên môn YHCT; đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này. Ngoài ra, việc mời lương y giỏi trong thành phố để trao đổi kinh nghiệm và truyền thụ những bài thuốc hay cho cán bộ YHCT các trạm y tế sử dụng chăm sóc sức khỏe nhân dân, hay cần có chế độ chính sách phù hợp của BHYT cho người dân khám chữa bệnh bằng YHCT tại trạm… là những việc mà địa phương và ngành liên quan nên chú trọng.

 

Bác sĩ Đoàn Hùng Ánh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek