Các bệnh viện tuyến tỉnh vừa nhận được sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên, vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới theo tinh thần Đề án 1816 của Bộ Y tế. Từ đó, năng lực hoạt động tại bệnh viện các tuyến trong tỉnh đều có những bước phát triển mới, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều trị bệnh.
PHÁT TRIỂN NHỮNG KỸ THUẬT MỚI
Liên tục những năm qua, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên được Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ chuyển giao nhiều kỹ thuật: đo huyết áp động mạch xâm lấn và kỹ thuật ngoại tiêu hóa, ngoại tổng quát, ngoại niệu và các kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên khoa tai mũi họng… Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Bệnh viện Nhi đồng 2, đoàn công tác nhận thấy ở êkip phẫu thuật của Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đã có thể thực hiện tốt các kỹ thuật cơ bản về ngoại khoa được chuyển giao trong những đợt công tác tuyến trước đây. Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong tiếp nhận thành công các kỹ thuật ngoại khoa được phía Bệnh viện Nhi đồng 2 chuyển giao theo kế hoạch.
Hiện Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đã áp dụng điều trị thành công một số bệnh như: bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng bằng Sunfactant, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch cho những trường hợp sơ sinh cực non, sử dụng đèn chiếu vàng da hai mặt để điều trị vàng da sơ sinh. Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên cũng đã tiếp nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt tử cung từ Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ Hồ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, cho rằng, những kỹ thuật điều trị mới được bệnh viện áp dụng đã góp phần giảm tỉ lệ tai biến sản khoa, chết mẹ; tỉ lệ tử vong sơ sinh; cứu sống được nhiều trẻ bệnh nặng.
Tương tự, những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã có sự hợp tác với gần 20 bệnh viện trong cả nước. Một số bệnh viện lớn đã đưa những bác sĩ, giáo sư nổi tiếng đầu ngành về hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật giúp bệnh viện phát triển mũi nhọn các chuyên khoa. Khoa Ngoại tổng quát đã phát triển phẫu thuật nội soi thành thế mạnh với nội soi cắt đại tràng, dạ dày, gan mật, tiết niệu, niệu quản, u xơ tiền liệt tuyến. Khoa Ngoại chấn thương phát triển về phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật vi phẫu nối chi và phẫu thuật cột sống, khớp háng.
Theo Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, bệnh viện hợp tác cùng các bệnh viện khác với mô hình tăng cường chi viện, đào tạo tại chỗ, đào tạo đổi chiều, tham quan học tập, hội chẩn qua điện thoại, email. Qua hợp tác, ngoài trình độ chuyên môn, các y, bác sĩ bệnh viện đã học được tính vì cộng đồng, lòng nhiệt tình, tính kỷ luật, tính đoàn kết và hợp tác trong công việc. Bệnh viện cũng đã triển khai thành công kỹ thuật tán sỏi ngoại cơ thể. Phương pháp can thiệp này là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng kỹ thuật cao để điều trị sỏi tiết niệu, giảm tối đa các chỉ định mổ thông thường, giảm số ngày nằm viện và mang lại hiệu quả cao về chi phí lẫn sức khỏe.
Các bệnh viện tuyến tỉnh khác như: Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, Bệnh viện Mắt Phú Yên, Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Đáng kể nhất là Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên ứng dụng phương pháp cấy chỉ trong điều trị và phục hồi chức năng. Kết quả điều trị cho thấy, tỉ lệ điều trị khỏi bệnh 20 đến 25%, tỉ lệ đỡ bệnh 60 đến 68%. Kỹ thuật này đã được Bệnh viện Y học cổ truyền chuyển giao cho các bệnh viện tuyến huyện.
TIẾP TỤC ĐẦU TƯ
Theo bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới. Các bệnh viện được mua sắm trang thiết bị, đáp ứng về cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh theo từng phân hạng bệnh viện. Các trạm y tế xã cũng từng bước được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới và được đầu tư trang thiết bị cơ bản.
Thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816, Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện tuyến Trung ương đã chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu như tim mạch, chấn thương chỉnh hình, lọc máu liên tục, phẫu thuật nội soi… Đến nay, hầu hết các bệnh viện đã thực hiện được từ 80% đến 100% các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật do Bộ Y tế quy định. Hàng năm, có trên 100 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã cũng từng bước được cải thiện thông qua việc cử các bác sĩ tuyến xã về thực tập tại các bệnh viện tuyến tỉnh cũng như mở các lớp tập huấn…
Bên cạnh đó, ngành Y tế Phú Yên tiếp tục triển khai quyết liệt đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 nhằm đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng các bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận gói kỹ thuật của Bệnh viện Trung ương Huế theo đề án Bệnh viện vệ tinh, trước tiên tập trung vào hai lĩnh vực ngoại chấn thương và tim mạch nhằm giúp cho bệnh viện tuyến tỉnh tự thực hiện được các kỹ thuật cao mà không phải chuyển lên tuyến Trung ương.
Với những kết quả ngoài mong đợi, Đề án 1816 của Bộ Y tế góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán về nhân lực của ngành Y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bác sĩ Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: “Qua triển khai Đề án 1816 của Bộ Y tế, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh được nâng cao rõ rệt, lực lượng y bác sĩ ngày càng tự tin về chuyên môn. Bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ xuống bệnh viện tuyến huyện, đã chuyển giao một số kỹ thuật hồi sức sơ sinh, phẫu thuật đơn giản, điều trị tim mạch, ngộ độc... Công tác BHYT, khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, phường nâng cao một bước. Ngành Y tế Phú Yên sẽ tiếp tục phát huy để thực hiện tốt Đề án 1816”.
VŨ HOÀNG