Thứ Tư, 27/11/2024 08:51 SA
Ẩn họa ung thư từ các loại thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu
Thứ Sáu, 09/10/2015 16:17 CH

Ảnh minh họa. TTXVN

Theo đánh giá của ông Hồ Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng. Đây là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, rất bền trong môi trường nên rất khó phân hủy sinh học, trong đó chủ yếu là các loại hóa chất thuộc nhóm POPs như DDT, 666, Aldrin... 

 

Những hóa chất này có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình. Theo danh mục điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo Quyết định số 1946 của Thủ tướng Chính phủ, hiện cả nước còn 15 tỉnh với 240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

 

Vấn đề nan giải nhất tại các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam là các hóa chất này đã bị chôn lấp, rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển... không phù hợp tiêu chuẩn. Do đó, công việc quản lý môi trường tại những điểm này sẽ phải tập trung vào nội dung cải tạo, xử lý triệt để phục hồi các khu vực bị ô nhiễm để đưa hiện trạng của đất và nguồn nước ngầm trở về trạng thái ban đầu, nhưng hiệu quả đến đâu lại lệ thuộc vào mức độ đầu tư kinh phí cho công tác này.


Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một báo cáo chính thức đánh giá về những hậu quả do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ra đối với sức khỏe con người và động, thực vật. Vì vậy, người dân và cả chính quyền tại những điểm ô nhiễm vẫn không nhận thức được hết sự tác động nguy hại lâu dài của nó, nên tình trạng sống chung với hóa chất độc hại vẫn diễn ra ở những vùng ô nhiễm.

 

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, tính đến thời điểm này, Bộ TN-MT cùng các địa phương mới xử lý được 60 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật bị ô nhiễm nghiêm trọng, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đạt gần 250 tỉ đồng.

 

Bên cạnh đó, bộ cũng đã triển khai xử lý thí điểm tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất chứa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất này. Nhưng với số lượng các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đã phát hiện thì việc xử lý vẫn còn quá khiêm tốn.

 

Các kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn, 37.000l hóa chất bảo vệ thực vật và 29 tấn vỏ bao bì. Các kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hầu hết được xây dựng từ ​thập niên 80 trở về trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu và không được quan tâm tu sửa, nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

 

Chuyên gia Trần Ngọc Đình, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, người đã "bám trụ" nhiều năm suốt dọc dải đất miền trung để điều tra, đánh giá về các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, cho biết việc xử lý các loại hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu còn lưu trữ ở trong kho tương đối đơn giản. Song việc cải tạo và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm lại rất phức tạp và tốn kém. Chẳng hạn nếu như xử lý 1kg hóa chất tồn lưu chỉ cần 2 USD, song phải cần tới 20 USD để xử lý 1kg bị rò rỉ vào vùng đất bề mặt; 200 USD xử lý 1kg bị thấm xuống tầng đất dưới. Nhưng khi 1 kg hóa chất đã ngấm xuống nguồn nước ngầm thì phải sử dụng tới 2.000 USD để xử lý.

 

Cùng với kinh phí, thời gian để xử lý cũng tăng lên rất nhiều lần khi hóa chất đã phân tán ra môi trường. Chính vì vậy, nhiều địa phương vẫn gặp phải khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, như lựa chọn phương án và công nghệ xử lý phù hợp với từng điểm kinh phí đầu tư rất lớn nên ngân sách tỉnh không thể đáp ứng.

 

Trong nhiều năm qua, nhờ huy động được từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Tổng cục Môi trường và các địa phương đã phối hợp tổ chức tiêu hủy, xây hầm bêtông kiên cố chôn lấp hàng trăm tấn hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại những điểm “nóng” gây ô nhiễm môi trường.


Tuy vậy, theo đánh giá của Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều nan giải, hiệu quả xử lý các điểm ô nhiễm trong những năm qua vẫn còn rất khiếm tốn. Do đó, biện pháp mà các địa phương ưu tiên thực hiện là tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là cộng đồng dễ bị tổn thương đang sống gần khu vực bị ô nhiễm. Họ phải được trang bị các kiến thức để chủ động phòng tránh tác hại của ô nhiễm, do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đối với sức khỏe và sinh kế của mình.

 

Về việc thực hiện di dời các công trình và người dân sinh sống trên khu vực ô nhiễm, cần tiến hành cô lập, cách ly, bao vây ngăn chặn ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ra môi trường xung quanh; xây dựng các hệ thống an toàn ngăn ngừa người dân và gia súc tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm.

 

Đồng thời, cần xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đất, nước, không khí đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về môi trường cũng như quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trong và sau quá trình xử lý.

 

Theo Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek