Cho bé ăn gì và ăn như thế nào để bé có thói quen ăn tốt là một trong những quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ.
Tình trạng biếng ăn của bé có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong suốt thời kỳ phát triển từ 1 đến 10 tuổi. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới trong những năm qua cho thấy, có tới 40 đến 60% phụ huynh phàn nàn con mình đang trong tình trạng biếng ăn. Ở Việt Nam, cứ 10 bé đến khám bệnh tại các khoa nhi thì có 4 đến 5 bé bị biếng ăn.
Làm thế nào để biết bé bị biếng ăn?
Những dấu hiệu cha mẹ cần lưu ý: thời gian cho mỗi bữa ăn của bé kéo dài trên 30 phút. Số bữa ăn hoặc lượng thức ăn bé ăn được trong mỗi bữa ít hơn so với bé cùng lứa tuổi. Bé không ăn hoặc ăn rất ít một hoặc vài nhóm thực phẩm nào đó (rau quả, thịt, cá...). Bé thường có biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn như: la khóc, giả vờ nôn trớ, ngậm miệng, ngậm thức ăn... Bạn đã hoặc đang lo lắng về cân nặng của bé. Nếu có một dấu hiệu là cảnh báo bé có thể bị biếng ăn. Nếu có hai dấu hiệu trở lên là bé cần được bác sĩ tư vấn về nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Cách khắc phục
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, biện pháp hữu hiệu nhất là điều chỉnh hành vi của bé và cha mẹ. Tạo cảm giác đói cho bé là điều quan trọng nhất trong điều chỉnh hành vi. Có 3 mức độ biếng ăn của bé, với từng mức độ sẽ có cách điều trị khác nhau:
Mức độ nhẹ: Bé vẫn không ăn được đa dạng thức ăn như mong muốn. Cha mẹ nên bày ra một đĩa thức ăn vào đầu bữa có cả món bé thích và không thích, nhưng số lượng món thích thì ít hơn. Chỉ cho ăn thêm món bé thích nếu ăn hết món không thích. Cho bé ăn thức ăn giống với cha mẹ. Việc nêu gương là rất quan trọng trong việc khuyến khích bé thích hay không thích món ăn này hoặc món ăn kia. Khen bé đã ăn những món không thích lúc cuối bữa. Nếu bé không ăn các món không thích, không nên bực mình mà nói với bé rằng không còn đồ ăn nữa. Như vậy để kích thích bé đòi ăn vào bữa sau. Tuyệt đối không cho bé ăn vặt, chỉ cho uống nước sôi để nguội.
Mức độ trung bình: Bé thường kén cá chọn canh, chỉ ăn một vài loại thức ăn bé thích hoặc từ chối hoàn toàn một hay nhiều loại thực phẩm (thường là rau). Như vậy, bé thường trong tình trạng thiếu hụt dưỡng chất và bữa ăn sẽ là cực hình cho cả cha mẹ và bé. Tăng trưởng hiện tại thì đủ nhưng bé có nguy cơ béo phì hoặc thiếu hụt dưỡng chất nếu thói quen ăn uống này kéo dài.
Cha mẹ kiểm soát, không bày hết thức ăn ra đĩa trước mặt bé. Chỉ khi cho bé ăn món nào mới bày ra món đó để tránh trường hợp bé chỉ ăn những món thích. Với món bé không thích thì động viên bé “cắn một miếng”. Khen ngợi và thưởng một miếng thức ăn bé thích khi bé chịu ăn món không thích. Cha mẹ có thể nói: “Vì con đã ăn ngoan nên mẹ thưởng cho con thức ăn này. Bây giờ con ăn tiếp nhé!”. Nếu bé từ chối thức ăn, quấy khóc thì bạn hãy làm ngơ, giả bộ không chú ý, không nói chuyện, không tương tác đến khi nào bé nín thì thôi. Hành động này có 2 lợi ích: Cho bé thấy rằng cha mẹ không muốn chú ý đến những hành vi xấu của bé và cha mẹ đang trừng phạt bé vì những hành vi này.
Bé cần phải bỏ hành vi này. Thứ hai là khi quay đi sẽ khiến cha mẹ không có lý do để nổi giận với bé. Kết thúc bữa ăn sau tối đa 30 phút. Không cho bé ăn đồ ngọt hoặc uống nước giữa bữa ăn.
Ban đầu bé có thể sụt cân, tuy nhiên tình trạng sụt cân trong thời gian ngắn này không gây hại cho bé. Nếu kiên trì vượt qua giai đoạn này thì sẽ thành công.
Mức độ nặng: Bé biếng ăn ở mức độ này thường có vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như bé đang được nuôi ăn bằng ống thông (sonde). Bé thường bị thiếu hụt dinh dưỡng nặng nên còi cọc, chậm phát triển và không chịu đáp ứng với những hình thức điều trị nhẹ hơn.
Bé cần có sự điều trị của bác sĩ nhi khoa, tùy tình trạng sức khỏe của bé mà có thể điều trị nội trú hay ngoại trú. Tuy nhiên qua khảo sát các chương trình điều trị trẻ em được nuôi ăn ở Mỹ cho thấy, điều trị nội trú kèm theo điều chỉnh khẩu vị ít mất thời gian và tiền bạc hơn so với khi điều trị ngoại trú hoặc nội trú không kèm theo điều chỉnh khẩu vị.
Ngoài chế độ dinh dưỡng thì tình yêu thương của cha mẹ đối với trẻ quan trọng hơn rất nhiều. Cha mẹ hãy là người nuôi con giỏi nhưng đừng là người quá cứng nhắc, hãy linh hoạt tìm giải pháp để bé ăn uống tốt hơn.
(suckhoedoisong.vn)