Thứ Tư, 27/11/2024 20:47 CH
Sử dụng thuốc nam:
Cần thận trọng
Thứ Hai, 08/12/2014 13:00 CH

Chăm sóc vườn thuốc nam tại Trạm Y tế xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: V.HOÀNG

Thời gian gần đây, phong trào trồng, hái và sử dụng thuốc nam ở hầu hết các địa phương diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ đông y, không nên dùng thuốc nam một cách tùy tiện.

 

DỄ TRỒNG, DỄ KIẾM

 

Nhiều người quan tâm đến việc trồng và sử dụng thuốc nam trong vườn nhà. Vườn thuốc nam trong mỗi gia đình vừa tạo nguồn thực phẩm vừa là nguồn cây thuốc tại chỗ cung cấp cho người dân tự chữa một số chứng bệnh thông thường khi chưa cần đến cơ sở y tế. Vườn thuốc nam có thể gồm những cây thuốc dùng làm rau như: giấp cá, tía tô, lá lốt, hành, hẹ, mồng tơi, húng chanh...; cây thuốc có thể là cây hoa như: cúc, hồng, kim ngân, râm bụt...; cây thuốc có thể là cây cảnh, cây ăn trái như cam, bưởi, quít, chanh, cau, đu đủ, gấc... Đối với các chứng bệnh thông thường như cảm, ho, ngạt mũi thì hầu như các bà mẹ đều biết dùng các cây thuốc nam có sẵn ở vườn nhà hoặc mua ở chợ để nấu chén cháo giải cảm có thêm hành, gừng, tía tô..., hoặc nấu nồi nước xông với sả, lá chanh, lá bưởi… chữa bệnh cho người thân.

 

Hiện ở các trạm y tế xã thường có khoảng 30 đến 40 loại cây thuốc nam chữa các chứng bệnh thông thường, vừa cung cấp thuốc sử dụng tại trạm vừa làm mẫu cho người dân xem để tự trồng quanh nhà khi cần thì có sẵn.

 

Gần đây, một số báo thu hút bạn đọc khi đăng tải các bài viết về việc sử dụng thuốc nam hiệu quả trong điều trị một số bệnh nan y, mạn tính. Còn trên trang mạng xã hội Facebook, nhiều người chia sẻ những bài viết về cách dùng thuốc nam trị bá bệnh, đặc biệt là các bệnh ung thư, gan, tiểu đường, gút… Có lẽ vậy, hiệu ứng trồng, hái và sử dụng thuốc nam ngày càng lan rộng.

 

Chị Võ Ngọc Phượng (phường 5, TP Tuy Hòa) cho rằng: “Tôi nghe nói sử dụng thuốc tây quá nhiều khiến cơ thể gặp phải những tác dụng không mong muốn. Điều đó khiến tôi quan tâm đến những cây thảo dược, để dùng nó thay thế những liều thuốc tây. Vừa rồi tôi đọc báo thấy đăng bài viết về công dụng của cây nở ngày đất (cỏ bạc đầu - PV) trong điều trị bệnh gút, tiểu đường, tôi đã đi tìm nhổ về phơi khô, để dành cho chồng tôi dùng dần”. Còn chị Lê Thị Ngọc Vân (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) thì nói: “Vài năm trước, tôi nghe cô bạn nói lá đinh lăng, lá lược vàng dùng rất tốt trong điều trị viêm họng, khan cổ nên tôi đã xin vài nhánh về trồng. Trồng thuốc nam trong nhà thật tiện dụng, hễ có triệu chứng đau rát vùng họng hay ho là tôi liền áp dụng”.

 

TRÁNH SỬ DỤNG TÙY TIỆN

 

Thực tế cho thấy, hầu hết các vị thuốc trong y học cổ truyền được sử dụng từ rất lâu. Sử dụng thuốc đúng quy cách thì sẽ đạt được hiệu quả rõ rệt. Ngoài công dụng chính là chữa những bệnh mạn tính, một số bài thuốc còn chữa được những căn bệnh cấp tính, nan y có hiệu quả cao. Các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ những loại thảo dược thiên nhiên cũng đang dần được mọi người ưa chuộng hơn.

 

Điều đáng lưu ý là nhiều người cho rằng các loại thuốc nam đều an toàn, không độc vì có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, theo các bác sĩ đây là nhận định sai, bởi thuốc ở dạng nào cũng cần được sử dụng đúng để trị đúng bệnh, hạn chế tác dụng phụ. Mỗi một thể bệnh có những phương pháp điều trị cụ thể đặc hiệu khác nhau. Một số vị thuốc nam khi dùng quá liều trong một thời gian dài có thể gây nên những tổn hại cho cơ thể. Cụ thể, ngải cứu là loại cây thuốc chữa bệnh, có thể chế biến những món ăn ngon và bổ cho sức khỏe, có thể xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng… và là một trong những vị thuốc dành cho người bị động thai, sảy thai liên tiếp, nổi bật nhất là giúp cơ thể nhuận tràng, lợi tiểu. Nhưng dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ra ngộ độc, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức dẫn tới chân tay run giật cục bộ hoặc co giật. Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói xàm, thậm chí tê liệt, có tổn thương ở tế bào não… và di chứng để lại là hay quên, ảo giác, viêm thần kinh…

 

Bác sĩ y học cổ truyền Đoàn Hùng Ánh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, cho rằng: “Trong y học cổ truyền có nhiều vị thuốc dễ gây ngộ độc, nôn mửa nếu bào chế không kỹ. Có nhiều vị thuốc khi sử dụng đòi hỏi phải có những kiêng kỵ nhất định khi phối hợp với những vị thuốc khác để thành lập bài thuốc. Mỗi khi bạn có ý định dùng thuốc nam để phòng và điều trị bệnh, hãy tìm đến những cơ sở y tế đáng tin cậy, những lương y được đào tạo bài bản về y học cổ truyền để được hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả. Để ngăn ngừa những tai biến do dùng thuốc nam, bệnh nhân cần tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc có chuyên khoa. Đã có nhiều trường hợp trên cả nước bị ngộ độc, cấp cứu vì tự ý sử dụng thuốc nam. Mới đây ở Quảng Ngãi có người bị ngộ độc nặng vì tự dùng nhầm trái cà độc thay vì dùng cà gai leo để điều trị viêm gan”.

 

VŨ HOÀNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek