Các nhà sinh học Nga vừa tìm ra phương pháp ngăn chặn quá trình lão hóa của người bằng cách xác lập cơ chế chuyển động đúng hướng của ADN.
Để khỏe mạnh và sống lâu, con người cần có sự sắp xếp ADN trong nhiễm sắc thể của mình một cách đúng hướng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của gen, ADN không ngừng co giãn như chiếc lò xo, khiến cơ thể dần lão hóa. Sự lão hóa này phụ thuộc phần lớn vào tình trạng "sức khỏe" của nhân điển hình (nucleosome), bộ phận kết cấu của nhiễm sắc thể.
Nhiễm sắc thể là một sợi nucleosome gấp khúc. Phân tử ADN trải dài dọc theo tập hợp các "hạt cườm" bao gồm các protein. Khi gen hoạt động, một loại enzyme đặc biệt đọc thông tin từ các "hạt cườm". Sau đó, enzyme này di chuyển dọc theo sợi ADN, vòng theo bề mặt của "hạt cườm" và nhảy qua nó.
Trong vòng đời của tế bào, quá trình này được lặp đi lặp lại vô số lần nhưng cấu trúc nucleosome vẫn được duy trì. Điều này đồng nghĩa rằng nucleosome được phục hồi mỗi lần như vậy. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chưa lý giải được cách thức phục hồi của nucleosome. Để tìm lời giải đáp, các nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia Moscow và một số trung tâm khoa học của Nga đã phối hợp với Viện nghiên cứu y học Robert Wood Johnson ở New Jersey (Mỹ) tái tạo quá trình phục hồi của nucleosome.
Kết quả cho thấy đột biến làm thay đổi trình tự và ảnh hưởng đến sự ổn định của cấu trúc nucleosome, trong khi sự ổn định này được đảm bảo bởi tương tác tĩnh điện giữa các enzyme và protein. Giáo sư Vasily Studitsky, đứng đầu nghiên cứu, cho hay nghiên cứu đã tìm ra cơ chế ổn định của nhân điển hình, giúp ngăn chặn quá trình lão hóa. Công việc cần thiết hiện nay là tổng hợp các enzyme và protein để ổn định nucleosome trong cấu hình mong muốn. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng cần tiến hành các thử nghiệm tiếp theo để có thể áp dụng trong thực tiễn.
Theo TTXVN, Vietnam+