Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nhiễm khuẩn thường xuyên mắc phải trong các cơ sở y tế. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, tại bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 1,4 triệu người bệnh nội trú bị nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế.
Bàn tay của nhân viên y tế khi khám bệnh phải luôn đảm bảo vệ sinh, vô khuẩn - Ảnh: VŨ HOÀNG
Môi trường bệnh viện có nhiều tác nhân lây bệnh, trong đó nhiễm khuẩn bệnh viện có thể là các bệnh theo đường máu như viêm gan B, C, HIV…; bệnh lây theo đường hô hấp như lao, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; bệnh lây theo đường tiếp xúc với da hoặc các dụng cụ có nhiễm khuẩn.
Theo điều tra về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam từ 5,7 đến 11,2%, tương đương với các nước phát triển khác. Với người bệnh, nhiễm khuẩn làm kéo dài thời gian nằm viện từ 9,4 đến 24,3 ngày và làm tăng chi phí điều trị từ 2 đến 32,3 triệu đồng. Có 5 loại nhiễm khuẩn thường gặp là: nhiễm khuẩn phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn máu.
Tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội đồng chống nhiễm khuẩn TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện có yếu tố nội tại của mỗi người bệnh. Vì rất nhiều người bệnh với nhiều loại mầm bệnh, các tác nhân gây bệnh khác nhau cùng tập trung một nơi để điều trị, cho nên bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ phát tán các loại vi sinh vật. Ngoài ra phải kể đến môi trường của buồng bệnh, không gian, không khí, chất thải cũng tạo ra các nguy cơ cho nhiễm trùng bệnh viện. Các dụng cụ y tế phục vụ truyền, nội soi sử dụng cho người bệnh không đảm bảo vô trùng là điều kiện mang theo vi sinh vật từ ngoài môi trường vào người bệnh…
Theo Sở Y tế, trước đây ở Phú Yên, vấn đề đào tạo chuyên môn trong công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được chú trọng; máy móc và hóa chất dành cho công tác này ở nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng lạc hậu; kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế về hầu hết các mặt công tác chống nhiễm khuẩn còn yếu.
Việc kiểm soát và dự phòng nhiễm khuẩn bệnh viện hiệu quả được xem như là một tiêu chuẩn quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện. Khắc phục một số tồn tại trước đây, thời gian qua ngành Y tế Phú Yên đã thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế về hầu hết các mặt công tác chống nhiễm khuẩn. Sở Y tế đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư thiết bị y tế công nghệ cao HMED (TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội nghị về chuyên đề “Hỗ trợ nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy trình một chiều của Bộ Y tế”; Ban quản lý dự án Hỗ trợ y tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ tỉnh Phú Yên cũng đã tập huấn quản lý chất thải y tế cho đông đảo nhân viên ở các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh; dự án GIZ (Hợp tác Kỹ thuật Đức) đã có nhiều chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu đến chống nhiễm khuẩn bệnh viện…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết đơn vị này đã mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chống nhiễm khuẩn bệnh viện tập huấn cho nhân viên bệnh viện tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện, qua đó, thông qua Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một chiều theo chuẩn của Bộ Y tế và trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những vướng mắc trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Cùng với nâng cao kiến thức, các bệnh viện cụ thể hóa các quy định, quy trình chuyên môn về chống nhiễm khuẩn phù hợp với điều kiện bệnh viện và nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Các bệnh viện hiện được đầu tư hệ thống xử lý rác thải mới với công nghệ tiên tiến nhằm chống nhiễm khuẩn ở mức cao nhất. Quy trình quản lý, thu gom chất thải bệnh viện được phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên tham gia. Chất thải bệnh viện được phân loại và cô lập thành chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại…
Tiến sĩ Anh Thư khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện cần đến sự tham gia của cán bộ, bác sĩ, nhân viên các bệnh viện cũng như của tất cả gia đình người bệnh. Mọi người ở trong bệnh viện cần giữ vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên. Bàn tay của nhân viên y tế khi khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh, thậm chí là mầm bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng. Vì vậy, vệ sinh bàn tay là việc làm thường quy là giải pháp hàng đầu trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Riêng đối với những bộ phận chuyên biệt ở bệnh viện, phải có biện pháp kiểm tra vi khuẩn thường xuyên. Những người thăm nuôi, khi vào phòng bệnh thì phải có áo choàng; trước khi vào thăm bệnh nhân, tay chân cũng phải sạch sẽ, vì dễ đem mầm bệnh từ ngoài vô hay đem mầm bệnh từ bệnh viện ra ngoài.
Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện được pháp quy hóa từ năm 1997, khi Bộ Y tế ban hành Quy chế Kiểm soát nhiễm khuẩn. Để tăng cường hơn nữa hoạt động này, Bộ Y tế triển khai “Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2015”. Mục tiêu chính của kế hoạch là tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh thông qua các giải pháp tăng cường về tổ chức nhân lực, nhận thức và chính sách, góp phần đảm bảo an toàn người bệnh, nhân viên y tế cộng đồng. |
VŨ HOÀNG