Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thì có thể là nguồn gây bệnh. Thực phẩm có thể gây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn.
Người tiêu dùng mua thịt tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: M.CHÂU
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở Phú Yên đang gây lo lắng cho người dân. Thực chất, nhiều sự kiện như việc tiếp tục sử dụng những hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm; việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng, do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường, đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Những ngày này, các bà nội trợ ở Phú Yên rất lo ngại trước thông tin chả cá có chứa hóa chất độc hại. Theo nhiều chủ quán bánh canh, bún chả cá ở TP Tuy Hòa, số lượng thực khách đến quán giảm nhiều so với trước đây; thậm chí nhiều quán nhỏ ven đường đã tạm nghỉ. Có thể nói, nhiều người không biết nên chọn gì cho bữa ăn gia đình bởi những thông tin về tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang gây nhức nhối hàng ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên, thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại là nguyên nhân chủ yếu gây nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể. Hóa chất, phụ gia dùng trong nông thủy sản, thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như: Hóa chất không được phép sử dụng; hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại dùng quá hàm lượng cho phép; chất độc gốc tự nhiên; chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt; chất độc từ các bao bì đi vào thức ăn; chất độc sinh ra trong quá trình chế biến, nấu nướng (3-MCPD và 1,3-DCP trong nước tương, acrylamid trong chiên, xào, nướng); chất độc sinh ra từ quá trình pha chế…
Theo ông Tâm, đại bộ phận thực phẩm dùng trong bữa ăn hàng ngày ở nước ta đều sản xuất ở nông thôn. Gần đây một phần do cơ chế thị trường, nhiều người chạy theo lợi nhuận, lợi dụng tình hình công tác kiểm tra còn lỏng lẻo hoặc cũng có thể do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, đã làm bừa làm ẩu nên nhiều người đã không chấp hành những quy định về sử dụng hóa chất trừ sâu, sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, các hóa chất bảo quản thực phẩm, các phụ gia cho thêm vào thực phẩm để tăng thêm màu sắc, mùi vị hấp dẫn của các món ăn. Các hóa chất này hoặc là các chất độc không được phép sử dụng hoặc dùng quá liều lượng cho phép nên đã gây ngộ độc cấp tính, gây đau bụng đi lỏng, có trường hợp tử vong hoặc mỗi ngày tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc kéo dài, gây ung thư. Các mẫu chả cá tại chợ Tuy Hòa được xác định đã nhiễm chất kháng sinh chloramphenicol và u rê. Đây là 2 chất độc hại cấm sử dụng trong bảo quản, chế biến thủy sản. Ông Tâm nhận định: “Chất chloramphenicol làm suy tụy. Ngộ độc do vi sinh thì không đáng sợ bằng ngộ độc do hóa chất ngấm vào cơ thể ngày một ít. Một khi đầu vào không đảm bảo vệ sinh thì sản phẩm sau khi chế biến sẽ không an toàn và có thể gây ra ngộ độc bất cứ lúc nào”.
Khi chế biến, cần sử dụng thực phẩm sạch để tránh xảy ra ngộ độc - Ảnh: V.HOÀNG
Một nguyên nhân quan trọng nữa là tay của người chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh, có mụn nhọt và vi trùng ở các mụn nhọt này gây ô nhiễm thức ăn, ngộ độc thức ăn. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài giờ đến 1 hoặc 2 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn.
Theo các bác sĩ dự phòng, người tiêu dùng cần nấu chín kỹ thực phẩm thịt, cá vì dễ bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh và ăn ngay sau khi nấu. Thức ăn nấu chín để quá 4 giờ và nhất là để qua đêm nhất thiết phải đun nấu chín lại; không để lẫn thực phẩm chín với thực phẩm sống khi bảo quản. Chú ý chọn các loại rau quả tươi, thịt, cá tươi, trứng tươi, chú ý thời hạn sử dụng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp. Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ. Các đồ dùng để nấu nướng và ăn uống phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không dùng khăn ẩm mốc nhờn mỡ để lau khô bát đũa.
Chất lượng thực phẩm nói chung và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra; đẩy mạnh tuyên truyền đến người kinh doanh, tiêu dùng việc sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm sạch, chất lượng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, lương thực, thực phẩm chính là nguyên nhân gây ra khoảng 50% các trường hợp tử vong đối với con người trên toàn thế giới hiện nay. Ngay đối với các nước phát triển, việc ngộ độc do lương thực, thực phẩm luôn là vấn đề bức xúc và hết sức gay cấn. Ở Việt Nam, theo tài liệu của Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. |
VŨ HOÀNG