Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển từ ngày 16 đến 23/10 năm nay với chủ đề “Đảm bảo an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để mọi người khỏe mạnh”. Các hoạt động của tuần lễ tập trung khuyến khích người dân biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng và an toàn; đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình.
Trạm Y tế xã Suối Trai (Sơn Hòa) tổ chức trình diễn dinh dưỡng, hướng dẫn các bà mẹ tận dụng thực phẩm vườn nhà - Ảnh: V.HOÀNG
Theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam, hiện có khoảng hơn 1,2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và hơn 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2010 là 5,6%. Bữa ăn của gia đình Việt Nam đã cải thiện nhưng cần có kiến thức để lựa chọn, sử dụng thực phẩm cho hợp lý.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, trong năm 2013, ở các huyện trong tỉnh đều có xuất hiện tình trạng trẻ em béo phì tập trung chủ yếu ở các vùng thị trấn, thị tứ, trung tâm xã. Điều này liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập, trình độ và hệ thống giao thương thực phẩm, truyền thông. Có một sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi và suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi của tỉnh Phú Yên 3 năm liền kề được Viện Dinh dưỡng công bố hàng năm. Nếu như suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi năm 2010: 19,1%, 2011: 18%, 2012: 17,2% thì suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi năm 2010: 31,8%, 2011: 31,4%, 2012: 30,7%. Từ đó cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi cơ bản đã kiểm soát được và ổn định. Tỉ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi ở Phú Yên vẫn nằm trong nhóm 20 tỉnh cao nhất nước (suy dinh dưỡng trên 30%) có liên quan tới yếu tố mất dinh dưỡng do ký sinh trùng đường ruột. Đó là lý do năm 2012, Trung ương đã tăng và mở rộng diện, đối tượng uống thuốc xổ giun ở Phú Yên.
Tình trạng cân ngay sau sinh tại phòng sinh với chỉ số ngưỡng quốc gia nhỏ hơn hoặc bằng 2.500g ở Phú Yên đạt tỉ lệ rất thấp, điều này rất có ý nghĩa đến công tác chăm sóc em bé trong bụng mẹ, khám và quản lý trước sinh cũng như ý thức của cộng đồng và gia đình, bà mẹ đầu tư ưu tiên chăm sóc cho bà mẹ mang thai.
Suy dinh dưỡng ở nhóm tuổi dưới 6 tháng nằm ở ngưỡng dưới 8%. Điều này liên quan một cách có ý nghĩa với việc cho con bú bằng sữa mẹ. Nhóm dưới 1 tuổi, suy dinh dưỡng tăng 150% so với nhóm dưới 6 tháng, cho thấy liên quan nhiều đến vấn đề bà mẹ phải lao động kiếm sống và không còn thời gian chăm sóc con. Ngoài ra, có thể có liên quan tới việc cho ăn dặm không đúng cách, không khoa học từ lỏng đến đặc, tô màu bát bột, đủ các nhóm thực phẩm dinh dưỡng, vừa cho ăn dặm vừa cho bú mẹ, kể cả khi cháu bệnh vẫn cho ăn đầy đủ, cho ăn theo nhu cầu. Nhóm dưới 2 tuổi tăng 170% so với nhóm 0 đến 6 tháng tuổi liên quan đến lao động kiếm sống của cha mẹ ở vùng khó khăn. Nhóm dưới 5 tuổi tăng cao hơn các nhóm tuổi trước đó, có khả năng liên quan mật thiết với vấn đề cha mẹ rời con và gia đình kiếm sống. Khỏi thời kỳ cho bú mẹ, bước vào giai đoạn đầu của cuộc đời tự lập và tìm hiểu môi trường sống xung quanh nên trẻ dễ mắc bệnh theo thời vụ, đồng thời hay ăn những thực phẩm trẻ với được mà không phân biệt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: Qua theo dõi và phân tích trong 3 năm trở lại, cho thấy vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ do các nguyên nhân sau: Thiếu thông tin, kiến thức để thay đổi thái độ, hành vi của cộng đồng gia đình và bà mẹ trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, cho em bé từ trong bụng mẹ và cho em bé ra đời dưới 5 tuổi; thiếu an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bà mẹ mang thai và cho trẻ em; suy dinh dưỡng do nguyên nhân bệnh tật làm mất chất, hấp thu dinh dưỡng kém, nạp chất dinh dưỡng thiếu. Cùng với đó, các bà mẹ cho con ăn ít bữa và không theo nhu cầu của em bé; cho con bú đúng cách khoa học tỉ lệ chưa cao; nguồn thực phẩm ở các hộ gia đình thiếu, nhưng khi có thì sử dụng không đúng và khoa học; vẫn còn tình trạng có gia đình bán trứng gà mua thuốc bổ cho em bé. Khi em bé biếng ăn thì nhiều gia đình, người chăm sóc chưa chú ý tô màu bát bột, đa dạng hóa bữa ăn và kiểm định lại phương pháp cho ăn mà vội vã, nôn nóng tức thời tìm tới sự trợ giúp bằng thuốc kích thích ăn và những thực phẩm chế biến sẵn cao cấp hơn. Ở miền núi khó khăn, cha mẹ lao động xa nhà và điệu em bé theo, ăn theo người lớn nên không thích hợp và đầy đủ cho sự phát triển của em bé. Chế độ ăn mặn và thiếu canxi liên quan tới việc tỉ lệ suy dinh dưỡng còn cao.
Trong Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển, Phú Yên tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp như: Treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính; tổ chức các hội thi; sinh hoạt câu lạc bộ; tổ chức các lớp học phổ biến kiến thức, các buổi nói chuyện tuyên truyền về dinh dưỡng hợp lý; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên hướng dẫn kỹ thuật phát triển VAC gia đình trên cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường. Các hoạt động truyền thông tập trung vào việc khuyến khích người dân biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với điều kiện kinh tế; tạo ra nguồn lương thực - thực phẩm dồi dào tại gia đình và địa phương trên cơ sở đảm bảo thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh và không bị hao hụt chất dinh dưỡng.
VŨ HOÀNG